Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và những cam kết của mình trong phòng chống lao. Nhân dịp này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia, là một trong những thành viên quan trọng của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết chủ đề của hội nghị cấp cao đầu tiên về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu lần này là gì? Nội dung chính các nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc tập trung vào vấn đề gì thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Tiếp nối thành công từ Hội nghị Bộ trưởng về chấm dứt bệnh lao tại Mát-cơ-va ngày 16 và 17 tháng 11 năm 2017 vừa qua, cùng với nhiều cam kết chính trị cấp cao từ các bộ trưởng và nhà lãnh đạo của 120 quốc gia trên thế giới, đây là Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu và là một bước tiến lớn trong việc kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của cả hệ thống chính trị các nước vào cuộc chiến chống bệnh lao.
Chủ đề chính của Hội nghị là “Đoàn kết để chấm dứt bệnh lao: Lời kêu gọi khẩn cấp toàn Thế giới đối với một đại dịch toàn cầu”. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy nỗ lực của tất cả các quốc gia thành viên triển khai các can thiệp tích cực hướng đến chấm dứt bệnh lao, cụ thể là đảm bảo đầu tư nguồn lực để cung cấp các dịch vụ phát hiện, điều trị, chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả cho tất cả mọi người dân.
Hội nghị cấp cao tại New York hướng đến Tuyên bố chính trị chung mang tính cụ thể và hành động giữa các nguyên thủ quốc gia về công cuộc chấm dứt bệnh lao, thể hiện qua khung trách nhiệm đa ngành, cam kết tăng cường nguồn lực và nguồn đầu tư cho phòng chống bệnh lao để cứu sống sinh mạng hàng triệu người dân.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi tiến tới thanh toán bệnh lao
Phóng viên: Về phòng chống lao, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như thế nào và liệu rằng chúng ta có cán đích thanh toán bệnh lao vào năm 2030 không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Chúng ta có hành lang pháp lý khá đầy đủ cho chấm dứt bệnh lao như Nghị quyết Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao, Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thông tư hướng dẫn phối hợp y tế công tư phòng chống lao, ưu tiên tiếp cận bảo hiểm y tế cho khám chữa lao và Chương trình chống lao vẫn được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Y tế và Dân số 2015-2020.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi trên toàn quốc gồm 51 bệnh viện chuyên khoa có trình độ cao, 15 tỉnh có đơn vị chống lao thuộc các trung tâm, các bệnh viện đa khoa và tư nhân được đào tạo cùng với các đối tác trong nước và quốc tế tạo nên mạng lưới phòng chống lao mạnh hoạt động rất hiệu quả, có thể áp dụng tất cả các thành tựu công nghệ mới vào Việt Nam.
Đến nay, mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 81% số mắc mới hàng năm, con số này trên toàn cầu là 61%. Duy trì tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% trong số mới mắc lần đầu). Lao đa kháng thuốc đã được phát hiện và điều trị với tỷ lệ khỏi bệnh cao, đến năm 2017 đã thu nhận điều trị cho 5827 người bệnh lao kháng thuốc với tỷ lệ khỏi bệnh trên 75%, con số này trên toàn cầu là 52%.
Hiện nay, Chương trình có thể điều trị cho tất cả các thể lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến năm 2018 sẽ thu nhận 3420, năm 2019 là 4050 và năm 2020 là 4680 trường hợp …
Phóng viên: Được biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, là hình mẫu trong phòng chống lao. Vậy, tại hội nghị Đại hội đồng LHQ về chấm dứt bệnh lao lần này, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ mang đến hội nghị những đóng góp gì ?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Cũng như các nước trên thế giới, Việt Nam cho rằng, chấm dứt bệnh lao không chỉ là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi quốc gia, mà đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của nhiều nước trên thế giới. Nên Việt Nam sẽ bày tỏ cam kết và ủng hộ mạnh mẽ một Chương trình nghị sự toàn cầu về chấm dứt bệnh lao để có thể tránh đi cái chết của hàng triệu người và đem lại hạnh phúc cho hàng chục triệu gia đình mỗi năm trên trái đất này. Trong đó, nhấn mạnh các nội dung:
Lao là một bệnh lây theo đường không khí, không thể thực hiện chấm dứt bệnh lao trên một quốc gia đơn lẻ. Vì vậy, kêu gọi sự nỗ lực toàn cầu thể hiện bằng cam kết chính trị tăng cường đầu tư nguồn lực của các quốc gia thành viên cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao là hết sức cần thiết.
Trong mỗi quốc gia, để chấm dứt bệnh lao không thể thực hiện được bởi riêng hệ thống y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị như trong chiến lược quốc gia. Khung trách nhiệm đa ngành sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các ngành các cấp và cộng động vào đẩy nhanh tiến độ triển khai các can thiệp để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao cuả từng địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu.
Cần có sự đột phá về khoa học công nghệ tìm ra công cụ mới, phương pháp điều trị hiệu quả hơn, thân thiện hơn mới có thể đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Kêu gọi nỗ lực toàn cầu, sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như đầu tư thoả đáng cho nghiên cứu lao trên phạm vi toàn thế giới là hết sức cần thiết.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông