Phạm Thu Hiền (Hà Nam)
Lao phổi có khả năng lây truyền khá cao. Vi khuẩn lao vào cơ thể qua đường hô hấp là chủ yếu, khi bệnh nhân lao phổi ho, hắt hơi sẽ phát tán các vi khuẩn ra không khí, lây lan cho người bình thường. Ngoài ra, đờm do người bệnh khạc nhổ ra có rất nhiều vi khuẩn lao và loại vi khuẩn này có khả năng sống trong môi trường không khí bình thường 3 - 4 tháng. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, người tiếp xúc với người bệnh, nhất là người thân trong gia đình sẽ dễ bị lây bệnh.
Có nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh lao phổi. Sau đây là những dấu hiệu điển hình thường gặp của bệnh: Sốt, thường là sốt nhẹ về chiều tối, ra mồ hôi bất thường, có cảm giác gai lạnh; Ho và khạc đờm trên 3 tuần và đã dùng thuốc kháng sinh mà không giảm; Đau ngực, khó thở; Chán ăn, mệt mỏi; Gầy sút cân.
Triệu chứng ho kéo dài có thể là biểu hiện của nhiều bệnh phổi cấp và mạn tính như bệnh viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, lao, ung thư phổi... Nếu chị ho kéo dài hoặc có kèm thêm dấu hiệu nào ở trên thì nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.