Vì sao dự báo mưa cực đoan vẫn là thách thức?
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa là hiện tượng tự nhiên quen thuộc nhưng lại ẩn chứa nhiều bí ẩn với giới khoa học, đặc biệt là khi cần dự báo chính xác thời gian, địa điểm và lượng mưa – nhất là với các đợt mưa cực đoan. Vậy dự báo mưa hiện nay có thể đạt tới mức độ nào, và vì sao những cơn mưa lớn bất ngờ vẫn gây thiệt hại nặng nề dù chúng ta đã có radar, vệ tinh và công nghệ hiện đại?
Theo ông Mai Văn Khiêm, bản chất của mưa là một chuỗi tương tác phức tạp. Mưa hình thành từ các quá trình chuyển động trong khí quyển. Khi hơi nước bốc lên cao do các dòng đối lưu, đến độ cao nhất định sẽ xảy ra hiện tượng ngưng tụ, hình thành mây rồi mưa. Những giọt nước hoặc tinh thể băng tuyết sau đó rơi xuống do tác động của trọng lực.

Đự báo mưa lũ cực đoan là bài toán khó của ngành khí tượng.
Tuy nhiên, trong quá trình rơi xuống mặt đất, các giọt mưa lại chịu ảnh hưởng mạnh của dòng khí ngang, độ ẩm môi trường và nhiệt độ xung quanh. Một phần nước có thể bị bốc hơi trở lại không khí, hoặc bị đẩy lệch khỏi quỹ đạo ban đầu. Chính điều này khiến việc xác định lượng mưa rơi xuống một điểm cụ thể trở nên vô cùng khó khăn.
Một hình ảnh minh họa đơn giản: nếu ta đổ một xô nước từ tầng 10 vào một cái chậu ở tầng 1, liệu có bao nhiêu nước thực sự lọt vào chậu? Có thể chưa tới 1/5 số nước rơi được vào đúng mục tiêu, vì gió và các yếu tố môi trường khiến dòng nước tạt lệch.
Ông Mai Văn Khiêm cho biết, mặc dù các hệ thống quan trắc hiện nay– từ vệ tinh, radar cho đến các mô hình khí tượng – có thể theo dõi và mô phỏng các chuyển động lớn trong khí quyển, nhưng bản chất "rối loạn" và quy mô rất nhỏ của mưa cực đoan khiến việc dự báo gặp thách thức.
Ngay cả khi radar đã ghi nhận một đám mây dông lớn đang di chuyển đến một khu vực, thì việc xác định chính xác lượng mưa rơi xuống, trong bao lâu, và ở vị trí cụ thể nào vẫn không dễ dàng. Đặc biệt, các đám mây dông có thể "tái sinh" những khối dông nhỏ khác trong chính chúng – một hiện tượng rất khó mô hình hóa.
Thực tế, mưa cực đoan thường diễn ra trong thời gian ngắn, cục bộ, với lượng mưa có thể vượt quá 80 mm chỉ trong 3 giờ. Điều này khiến các thiệt hại càng khó kiểm soát nếu không có hệ thống cảnh báo nhanh và hiệu quả.
Khoa học dự báo mưa và thiên tai ở Việt Nam
Theo ông Mai Văn Khiêm, hiện nay, khoa học khí tượng Việt Nam đã có thể dự báo trước các đợt mưa lớn từ 3 đến 5 ngày, nhờ hệ thống quan trắc khí quyển và các mô hình số trị hiện đại.
Cảnh báo mưa cực đoan trước 3 đến 6 giờ, đặc biệt là với sự hỗ trợ của radar thời tiết tầm gần. Tuy nhiên, mưa đá và các hiện tượng nguy hiểm trong mưa dông như lốc, sét, gió giật mạnh vẫn chỉ có thể cảnh báo chứ chưa thể dự báo chính xác.
Các tín hiệu tích cực hiện nay là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở rộng hệ thống radar và mạng lưới trạm mưa tự động, góp phần nâng cao năng lực dự báo ngắn hạn – đặc biệt với các hiện tượng cực đoan.
Tháng 5/2025 được ghi nhận là thời điểm có nhiều đợt mưa lớn tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Một số đợt mưa được cảnh báo đáng chú ý: Từ ngày 8–29/5: Mưa diện rộng tại Bắc Bộ, có nơi mưa rất to, lượng mưa có thể vượt 180 mm.
Từ ngày 10–11/5 và 22–25/5: Mưa cục bộ cực lớn ở Bắc Trung Bộ, có nơi trên 150 mm. Mưa dông mạnh có thể xảy ra vào đêm 10 rạng sáng 11/5. Ngày 28–29/5: Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ có khả năng mưa vừa đến rất to, kèm theo dông lốc.
Cả tháng 5: Miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa vượt trung bình nhiều năm từ 5–25%. Cường độ mưa trong một số đợt có thể vượt ngưỡng nguy hiểm – trên 80 mm trong vòng 3 tiếng – làm gia tăng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở đô thị.
Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa đá, dông lốc, sét thường xuất hiện dày đặc trong giai đoạn giao mùa – đặc biệt từ tháng 2 đến tháng 5, và tháng 9 đến tháng 11.
Trong thời kỳ này, sự giao tranh giữa các khối khí nóng – lạnh mạnh mẽ khiến khí quyển cực kỳ bất ổn. Ngoài ra, rãnh gió Tây ở độ cao 5000m thường xuyên hoạt động cũng làm tăng khả năng hình thành các hệ thống mây dông mạnh.
Ứng phó với mưa lũ cực đoan
Trước diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo. Rà soát khu dân cư ở ven sông, suối, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở. Chủ động di dời người dân đến nơi an toàn khi cần thiết. Tổ chức cảnh giới, kiểm soát giao thông, đảm bảo an toàn hồ đập và công trình thủy lợi. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn tại chỗ.
Với người dân, cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu mưa đá sắp xảy ra như mây đen kéo đến, gió mạnh, nhiệt độ giảm nhanh, tiếng ù ù và mưa lất phất. Khi đó, cần tìm nơi trú an toàn và tránh các khu vực trống trải, dưới cây lớn.
Theo chuyên gia, dù khoa học dự báo mưa đã có nhiều tiến bộ, nhưng mưa cực đoan vẫn là "ẩn số" đầy thách thức bởi tính chất ngắn hạn, cục bộ và bất ổn của khí quyển. Việc chủ động cảnh giác, theo dõi sát thông tin dự báo và ứng phó kịp thời là giải pháp thiết thực nhất hiện nay để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.