Vì sao hoa mai anh đào nở trái mùa?
Trong những ngày gần đây, người dân địa phương và du khách tại thành phố Đà Lạt đều được ngắm những cành hoa mai anh đào bất ngờ nở rộ vào mùa hè thay vì mùa xuân như thường lệ. Mùa mai anh đào lần này đặc biệt, khiến mọi người ngạc nhiên và thích thú.
Mọi năm, tháng 1-2 thường là thời điểm hoa mai anh đào nở rộ tại Đà Lạt và cũng là dấu hiệu của mùa xuân đang đến. Tuy nhiên, năm nay thay vì nở vào dịp Tết Nguyên Đán, hoa nở rộ vào giữa tháng 4.
Anh Nguyễn Văn Hào (sống tại Đà Lạt) không khỏi sự ngạc nhiên: "Thật khó tin khi tiếng ve đã vang vọng Đà Lạt và cận kề mùa hạ mà mai anh đào lại có thể khoe sắc rực rỡ giữa mảnh đất mộng mơ này. Đà Lạt đang tiếp tục một mùa hoa anh đào mới ngay giữa tháng 4. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây".
Nhiều người dân nhận định rằng mai anh đào nở vào mùa hè có lẽ do năm nay khí hậu thất thường. Nhưng loài hoa này bất ngờ nở rộ vào thời điểm tiết trời chuyển sang hè như tô điểm cho Đà Lạt thêm một sắc màu mới, khiến không gian thành phố trở nên rực rỡ và lãng mạn hơn bao giờ hết.
TS Nguyễn Văn Tỉnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh, Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, thông thường đối với cây trồng nói chung, việc ra hoa là phản ứng của cây với điều kiện sinh thái phù hợp như: điều kiện nhiệt độ, điều kiện ẩm độ hoặc nguồn nước. Nhưng chủ yếu tác động lớn nhất sẽ là do điều kiện nhiệt độ.
Nếu gặp điều kiện phù hợp cho việc ra hoa, thì sau khi hết đợt hoa này, cây sẽ có thể tiếp tục cho ra đợt hoa tiếp. Như vậy, có thể do thời tiết Đà Lạt thời gian qua phù hợp với quá trình ra hoa của mai anh đào, nên mới dẫn đến hiện tượng này.
Hiện tượng hoa nở trái mùa không phải là hiếm. Ngay cả ở Hà Nội, nhiều thời điểm hoa sữa nở giữa mùa hè là phản xạ bình thường của cây trước thời tiết. Theo chuyên gia cây xanh Lê Huy Cường, dù cây ra hoa vào mùa nào nhưng đến đúng mùa xuân thì mai anh đào vẫn tiếp tục ra hoa bình thường. Việc cây ra hoa thời gian vừa qua là phản xạ đối phó với khí hậu, buộc cây phải thay đổi để duy trì nòi giống. Hiện tượng hoa nở bất thường cũng xảy ra ở một số nước như Nhật Bản và Mỹ.
Hiện tượng phản ứng của cây trước biến đổi của thời tiết
Chuyên gia Lê Huy Cường cho biết, hoa anh đào là hình ảnh đặc trưng của mùa xuân tại Nhật Bản, nhưng thời tiết bất thường trong năm ngoái đã khiến hoa nở vào mùa thu. Thông thường lá cây anh đào thường tiết ra một loại chất cản trở sự phát triển của nụ hoa. Tuy nhiên, những cơn bão dữ dội năm 2018 khiến quá trình này bị đảo lộn.
Hay như tại Mỹ, trong những năm gần đây, mỗi năm mùa xuân lại đến sớm hơn một chút nên những cây hoa anh đào tại Thủ đô Washington cũng nở rộ vào cuối tháng Ba, thay vì vào giữa tháng tư như năm trước.
Thời gian nở của cây anh đào đã thay đổi từ năm này sang năm khác, hoa ngày càng nở sớm hơn. Mức nhiệt tăng hàng năm đã đã phá vỡ tình trạng ngủ đông của những cây anh đào, khiến chúng nở sớm hơn.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, hiện tượng nở hoa trái mùa không phải là hiếm gặp trong tự nhiên.
Với giống hoa mai anh đào tại Đà Lạt, có thể có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất có thể là do mỗi hạt giống khi được gieo có sự phân ly, tạo nên sự mẫn cảm khác nhau của từng cây, dưới tác động của nhiệt độ sẽ khiến có cây phân hoá mầm hoa sớm và nở sớm, có cây thì phân hoá nở muộn hơn.
Nguyên nhân thứ hai, trong cùng một cây, ngoài chu kỳ ra hoa theo quy luật, cây có thể ra hoa trái mùa khi gặp điều kiện ngoại cảnh phù hợp với điều kiện dinh dưỡng và hooc-môn nội tạng trong cây.
Năm nay do sự biến đổi bất thường của thời tiết, không theo quy luật nhất định, tại Đà Lạt có xu hướng nhiệt độ tăng, lượng sương mù ít hơn, biên độ giao động nhiệt độ ngày đêm lớn... đó có thể là những yếu tố tác động đến việc nở hoa trái mùa của mai anh đào.
"Đây là giải thích phù hợp nhất về mặt khoa học. Tuy nhiên để có được kết luận chính xác thì cần phải có sự quan sát trực tiếp, nghiên cứu bài bản, chuyên sâu hơn," PGS. TS Đặng Văn Đông cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 2, tổng lượng mưa (TLM) trên cả nước phổ biến thiếu hụt từ 10 - 30 mm so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Đáng chú ý, Tây nguyên và Nam bộ nhiều nơi cả tháng không có mưa; riêng khu vực từ Bình Định đến Khánh Hoà cao hơn từ 20 - 40 mm so với TBNN cùng thời kỳ.
Thời kỳ 10 ngày đầu tháng 4, tổng lượng trên cả nước phổ biến thiếu hụt từ 5 - 15 mm, riêng tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ thiếu hụt 20 - 40 mm, có nơi trên 50 mm so với TBNN cùng thời kỳ. Đặc biệt, Nam Bộ nhiều nơi tiếp tục không xuất hiện mưa.
Dự báo, tình trạng khô hạn ở khu vực Tây nguyên và Nam bộ có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5 tới. Ở Trung bộ, khô hạn có khả năng xuất hiện và kéo dài trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 4 - tháng 7.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo đỏ khi hạn hán đang ngày càng bao trùm cả Tây Nguyên | SKĐS