Đà Lạt - Mùa hoa mai anh đào

28-02-2015 07:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Đi dưới cái nắng dát vàng trong tiết trời se se lạnh, tôi chợt nhận ra - mùa xuân đã về! Mỗi năm vào độ xuân mới, hoa mai anh đào nở thắm trên những con đường dốc núi quanh co,

Đi dưới cái nắng dát vàng trong tiết trời se se lạnh, tôi chợt nhận ra - mùa xuân đã về! Mỗi năm vào độ xuân mới, hoa mai anh đào nở thắm trên những con đường dốc núi quanh co, bên bờ các hồ, thác, trên những sườn đồi, bên mái phố, hiên nhà… Đà Lạt như bức tranh đa sắc màu và lãng mạn vô cùng.

Loài hoa báo mùa

Có phải bởi đa cảm không; song, mỗi khi ngắm hoa mai anh đào nở tôi cứ thấy nao nao lòng! Dù đã qua lâu rồi cái thời sách vở nhưng mỗi mùa hoa mai anh đào nở tôi bỗng thấy sống lại những tháng năm xưa. Với sinh viên Đà Lạt chúng tôi, những năm đó, mỗi khi hoa mai anh đào nở là “báo hiệu” nửa năm “đèn sách” đã đi qua và tâm trạng nôn nao sắp được về quê ăn Tết với gia đình. Buồn nhất đối với những sinh viên nghèo, nhà xa không có điều kiện về quê phải ở lại Đà Lạt đón Tết. Nhìn hoa mai anh đào nở thắm trời cao nguyên, những ai xa nhà mới thấy xốn xang bao nỗi niềm rất khó tả!

Những con đường mai anh đào khi Đà Lạt vào xuân.

Cũng như dã quỳ dại, hoa mai anh đào được giới sinh viên, học sinh rất yêu mến và dành nhiều tình cảm nhất. Ngoài gắn với những kỷ niệm vui buồn của tuổi học đường, dã quỳ vàng và mai anh đào được tuổi trẻ và giới văn nghệ sĩ còn đặt cho những cái tên khác rất ngộ và hàm ý nhiều điều: Hoa báo mùa! Bởi vậy, nói về hoa dã quỳ đã có thi sĩ viết rằng:

“…Em lãng mạn

Đặt tên dã quỳ - hoa nắng

Còn anh gọi hoa báo mùa…”

Trên thành phố Đà Lạt đã hiện hữu hàng ngàn loài hoa đến từ khắp các châu lục trên thế giới và rất nhiều loài hoa nở bông quanh năm; duy chỉ có dã quỳ và mai anh đào được xem là những loài hoa báo mùa chuyển tiếp.

Nếu hoa dã quỳ nở là báo hiệu mùa nắng Tây Nguyên đã về thì hoa mai anh đào báo hiệu xuân sang. Nếu quan sát, khi những bông hoa dã quỳ cuối mùa rủ cánh, héo tàn thì cũng là lúc những nhành mai anh đào bắt đầu rụng lá “ngủ đông”. Sau hơn một tháng bứt lá để ngâm những cành xương trong cái lạnh miên man hòa trong màu nắng vàng ủ mật của đất trời Đà Lạt, để qua Noel, mai anh đào hé những chồi non và hoa nở rộ. Cảnh sắc Đà Lạt như được trang điểm bằng một màu hồng thắm rất lãng mạn, trữ tình.

Trong những chiều tháng Chạp Tây Nguyên thả hồn trong cái lạnh sắt se bên ly cà phê nóng, nghe du dương những khúc tình ca êm dịu, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thi vị biết dường nào! Và khi những câu hát “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…” phát ra từ một quán cà phê bên đường, tôi như thấy sắc hồng thắm của loài hoa báo mùa này bâng khuâng khoe sắc và mùa xuân rộn ràng về sớm trên phố núi sương mờ…

Du khách say sưa chụp hình trên những con đường mai anh đào rực rỡ.

Thành phố hoa anh đào

Đà Lạt trước nay được bạn bè trong và ngoài nước yêu mến đặt rất nhiều tên gọi khác nhau: “thành phố ngàn thông”, “thành phố mờ sương”, “thành phố mộng mơ”, “thành phố tình yêu”, “thành phố ngàn hoa”… Nhưng dường như chưa có ai đặt tên Đà Lạt - thành phố hoa đào?  Có lẽ do ít người biết Đà Lạt từ xưa nay đã hiện hữu một loài hoa độc đáo và cũng ít khi được dùng biệt danh này để nói về Đà Lạt (mặc dù bài hát Ai lên xứ hoa Đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác trước năm 1973) được nhiều ca sĩ tên tuổi thể hiện khá thành công và là một ca khúc hay viết về Đà Lạt được nhiều khán thính giả trong và ngoài nước yêu mến.

Nói Đà Lạt - thành phố hoa đào chớ nhầm lẫn Đà Lạt với Nhật Bản - đất nước được mệnh danh “xứ sở hoa anh đào”; Và mai anh đào của Đà Lạt có phải xuất xứ từ hoa đào Nhật Bản, của các nước khác hay có nguồn gốc bản địa hiện chưa có tư liệu chính thống khẳng định chính xác. Có ý kiến cho rằng, mai anh đào là giống mai địa phương độc nhất của Đà Lạt, chỉ có Đà Lạt mới có giống mai này. Đây là một loài hoa thân mộc, vừa đẹp vừa quý hiếm mà các nhà khoa học chưa được biết nhiều về nó. Gần đây, có người đã dẫn một số tư liệu và qua một số nhân chứng đã từng sống, công tác lâu năm ở Đà Lạt cho biết, hơn 50 năm trước, hoa anh đào Nhật Bản đã được trồng ven bờ hồ Xuân Hương - Đà Lạt; nhưng sau đó, một cuộc đảo chính quân sự do tướng Dương Văn Minh cầm đầu đã nổ ra (ngày 1/11/1963) lật đổ chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm, quân đảo chính đã cho chặt phá hết những cây anh đào (Nhật Bản) trồng quanh hồ Xuân Hương…

Với cư dân Đà Lạt, mai anh đào bất luận có nguồn gốc xuất xứ từ nước nào? Có tự bao giờ? Hay “từ đâu em tới…” không quan trọng mà điều quan trọng và là niềm tự hào là hơn nửa thế kỷ qua cùng với 121 năm hình thành và phát triển của thành phố nên thơ, xinh đẹp này đã hiện hữu một loài hoa quý rất đẹp tô thắm thêm sắc trời cao nguyên mỗi độ Tết đến xuân về! Đã từ lâu, hoa mai anh đào đã đi vào thơ ca, nhạc, họa… và là niềm tự hào của người dân phố núi mờ sương!

Theo một số tài liệu còn lưu lại, mai anh đào ban đầu có tên khoa học là Cerasus SP; về sau đổi tên là Prunus Cesacoides; vì mai anh đào có hình dáng cây đào, cây mận (thuộc chi Prunus); nhưng đồng thời nó có hoa đơn 5 cánh giống như hoa mai (thuộc chi Cerasus). Hàng năm, vào cuối tháng 12 và đầu tháng một dương lịch (thường trước Tết Nguyên đán), hoa mai anh đào Đà Lạt nở rộ. Hoa có màu hồng phai, nở và tàn trong vòng 2 tuần lễ. Dù thời gian hoa mai anh đào nở ngắn nhưng đây chính là thời điểm Đà Lạt giao mùa; Thời điểm mà mọi cư dân trên thành phố hoa đang rộn ràng chuẩn bị đón một cái Tết an lành với bao niềm hy vọng mới tươi xanh. Trước và sau Tết Nguyên đán là thời điểm đất trời Đà Lạt đẹp nhất trong năm - mùa khô cao nguyên gắn với mùa du lịch và mùa lễ hội văn hóa, các lễ hội dân gian của cộng đồng cư dân các dân tộc bản địa sống trên cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ và giàu đẹp này…

Hoa mai anh đào nở rộ trước thềm mùa xuân.

Hiện nay, mai anh đào được trồng, chăm sóc và có mặt ở hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Lạt; tập trung nhiều nhất quanh hồ Xuân Hương, trên các con đường: Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Nguyễn Du, đường vòng Lâm Viên…; trong khuôn viên một số biệt thự, trên các đồi thông, dốc núi, bên các hồ, thác… Những năm gần đây, mai anh đào được chính quyền và nhân dân Đà Lạt tích cực trồng thêm nhiều trên các con đường, tại các khu vực công cộng… Đặc biệt, trên thành phố Đà Lạt đã có một con đường được đặt tên - đường Mai anh đào (thuộc phường 8 - lối đi về Thung lũng Tình Yêu). Tin rằng những năm sau này, mai anh đào sẽ nở bông nhiều hơn tươi thắm, rực rỡ hơn trong mỗi dịp Đà Lạt đón xuân mới.

Có lẽ Đà Lạt - xứ sở ngàn hoa, một vùng đất đã và đang hội tụ nhiều loài hoa đẹp, hoa quý; Và có lẽ vì đã có nhiều tên gọi thân thương dành cho xứ sở hoa này nên hoa mai anh đào chưa được nhiều người dành sự quan tâm đích thực? Với tôi, Đà Lạt xứng đáng còn có tên gọi khác cũng rất đáng yêu và nên thơ - Thành phố hoa đào…

Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: