Ghi nhận tại đỉnh núi Bà Đen, nhiệt độ thường thấp hơn thành phố khoảng 8-10 độ, khí hậu mát mẻ, trong lành, thậm chí buổi tối còn se lạnh khiến du khách vô cùng thích thú.
"Không ngờ ngay giữa mùa nắng nóng mà lên đỉnh núi là mây phủ mát lạnh, tôi phải khoác nhẹ chiếc áo mỏng. Không khí se se và đỉnh núi buổi tối vừa lộng gió, vừa lung linh trong hàng ngàn ánh đèn vi diệu – đây thực sự là một cảm giác rất tuyệt vời" – chị Phạm Thái Hạnh – TP.HCM cho biết.
Nhiều du khách gọi núi Bà Đen là "tiểu Đà Lạt" không chỉ bởi khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, mà trên đỉnh núi còn có rất nhiều cây xanh, nhiều thảm hoa rực rỡ đủ loại. Tháng 4 là tháng của cẩm tú cầu phủ khắp đỉnh núi với đa dạng màu sắc. Đây cũng là một trong những lý do khiến du khách rủ nhau lên đỉnh núi Bà.
Dịp lễ 30/4 năm nay, núi Bà Đen cũng ngập tràn không khí lễ hội với các show diễn Khmer độc đáo. Ngay từ giữa tháng 4, vào các ngày cuối tuần, đỉnh núi đã rộn ràng điệu múa trống Chhay dăm- di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng cho người Khmer, các vũ điệu dân gian Khmer như Lăm Vông (múa vòng tròn), Lăm Leo, Saravan… và nhạc ngũ âm.
Cao Văn Tha Ni- diễn viên trình diễn trống Chhay dăm người Khmer chia sẻ: "Tôi rất trông chờ dịp 30/4 này tiếp tục được lên núi Bà Đen để giới thiệu đến du khách về điệu múa trống đặc trưng của người Khmer chúng tôi, đặc biệt là được trình diễn tại không gian linh thiêng trên đỉnh núi Bà Đen, ngay dưới chân tượng Phật Bà uy nghiêm và nhận được tình cảm nồng nhiệt của các du khách".
Trong hai buổi tối 29-30/4 năm nay, du khách lên núi Bà Đen còn được mục sở thị những màn trình diễn đờn ca tài tử thứ thiệt, đến từ các nghệ nhân nổi tiếng tại Tây Ninh. Đây là lần đầu tiên Liên hoan và Triển lãm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - một di sản văn hoá phi vật thể được Unesco công nhận - tổ chức trên đỉnh Nóc nhà Nam Bộ.
Với 2 chủ đề "Núi Bà Đen huyền thoại" và "Tây Ninh – đất và người", liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ đưa du khách đến với nhiều màn hoà tấu, vọng cổ, nhạc Phật, và các trích đoạn cải lương nổi tiếng. Đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu kết hợp với nhau tạo nên âm thanh tứ tuyệt độc đáo và một không gian văn hoá đậm màu sắc di sản cho núi Bà Đen.
Với giá vé cáp treo buổi tối lên đỉnh núi giảm chỉ còn 200.000đ/người lớn, 100.000đ/trẻ em, đây sẽ là cơ hội đặc biệt để du khách vừa thưởng lãm khung cảnh lung linh từ hệ thống chiếu sáng hiện đại trên đỉnh núi, vừa thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử nức tiếng của người dân Nam bộ.
Đặc biệt, đến với đỉnh núi Bà Đen dịp này, du khách sẽ được chiêm bái cụm trụ kinh Bát Nhã dát vàng tại khu vực trung tâm của quần thể các công trình kiến trúc tâm linh trên đỉnh Núi Bà Đen. Theo các sư thầy, trụ kinh bát nhã nằm ngay giữa trung tâm quần thể tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen là một lợi lạc dành cho Phật tử thập phương. Nhiều sư thầy còn nhận định, chỉ cần một cơn gió thổi qua cột kinh rồi bay đi khắp chốn, ai vô tình được hưởng gió đó cũng được gia trì, tịnh hoá nghiệp.
Cụm gồm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc 12.000 chữ kinh Tây Tạng được dát vàng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m. Với đế trụ kinh được bắt đầu từ khu giảng pháp đường dưới lòng đất và vươn thẳng lên trời, cụm trụ kinh trên đỉnh thiêng là một biểu tượng mới của miền biên, để mỗi Phật tử, du khách hướng về khi muốn tâm tĩnh, lòng an.
Với quần thể tâm linh kỳ vĩ gồm nhiều hạng mục như tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn tọa lạc trên đỉnh núi cao nhất châu Á, khu triển lãm Phật giáo lớn với hàng trăm phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới, liên tục các lễ hội đậm sắc màu văn hoá bản địa được tổ chức, núi Bà Đen đang trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Nam Bộ.
Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, 1,5 triệu du khách đã đến với núi Bà Đen. Dịp lễ 30/4- 1/5, với một chuỗi các hoạt động văn hoá nghệ thuật hoành tráng và quy mô, cùng khí hậu mát lạnh như mùa thu nơi đỉnh núi, núi Bà Đen chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút du khách tìm về thưởng ngoạn, cầu an.