Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán được coi là dịp nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình có dịp được ngồi quây quần bên nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đồng thời là cơ hội để mọi người thăm hỏi người thân, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc.
Câu nói dân gian "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết đầu năm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn), câu tục ngữ ấy gợi nhắc đến truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" tốt đẹp của dân tộc ta.
Sáng mùng 1 Tết, các gia đình thường làm lễ cúng gia tiên. Nghi lễ này thường làm ở gia đình con trai, nếu gia đình nhiều con trai thì làm ở nhà người anh cả. Anh em ra ở riêng sẽ tựu về để làm lễ, ăn cơm và chúc tụng ông bà, bố mẹ, anh chị em ngày Tết. Đó là ý nghĩa của tục mùng 1 Tết cha.
Ngày mùng 2 Tết, mọi người đến bên nhà ngoại (mẹ, vợ). Thông thường, mọi người sẽ đến nhà cậu trưởng (người thờ cúng) để làm lễ cúng gia tiên và ăn uống, chúc tụng nhau giống như bên nhà nội.
Đến ngày mùng 3 Tết thì mọi người sẽ đi chúc Tết các thầy giáo, người đã có công dạy dỗ mình. Thầy ở đây mở rộng ra có thể là thầy giáo, thầy nghề…
Có thể nói, theo quan niệm của ông cha ta, hai ngày quan trọng nhất trong năm (mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán) phải dành để "Tết cha", "Tết mẹ", thể hiện lòng hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại. Đây là một nét đẹp trong truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Bên cạnh đó, người Việt cũng thường nhắc nhau "Không thầy đố mày làm nên" để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người. Với tinh thần "tôn sư trọng đạo", người Việt luôn quan niệm "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Bởi vậy, sau 2 ngày đầu năm "Tết cha", "Tết mẹ", ngày mùng 3 Tết, mọi người thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và ôn lại kỷ niệm xưa đối với những thầy cô giáo cũ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết thêm: "Tục lệ thì không phải là pháp luật, vì vậy, mỗi nơi, mỗi thời sẽ có cách ứng xử khác. "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" để nhắc nhở người ta nhớ đến nội, đến ngoại, nhớ đến công lao dạy dỗ của thầy cô. Ý nghĩa của câu nói ấy luôn luôn bền vững, hành động cụ thể thì tùy cơ ứng biến".
Thầy cô luôn là người có công lao rất lớn với mỗi người khi trưởng thành
Nhà giáo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, "mùng 3 Tết thầy" nghĩa là Tết thầy đi liền với Tết ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành và dưỡng dục của mỗi người. Đây không chỉ nêu cao vị thế của người thầy mà còn khẳng định cha mẹ không chỉ có công sinh thành mà còn có công dưỡng dục đầu tiên từ khi mới chào đời đến khi trưởng thành.
Điều này hoàn toàn khác với quan điểm đạo lý kỷ cương của nho giáo luôn xếp hạng "Quân, sư, phụ" (trên hết là Vua, sau Vua là thầy và sau thầy mới đến cha mẹ). Ông cha ta nhắc "mùng 3 Tết thầy" không phải để nhằm đối lập với quan niệm của Nho giáo thời phong kiến mà chỉ muốn nhấn mạnh đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và muốn nhấn mạnh truyền thống tôn sư trọng đạo, biết ơn thầy cô như biết ơn cha mẹ và cũng muốn nhắc nhở những người làm ông bà, cha mẹ cũng phải nhớ đến vai trò làm thầy, cùng với ông thầy ở trường để giáo dục dẫn dắt con cái trưởng thành.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc nhớ ơn đến thầy cô trong những ngày Tết cũng lớn lao như "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Đây mới chính là ý nghĩa to lớn của "Mùng ba Tết thầy".
Ông cha ta không nhắc nhở con cháu phải mâm cao cỗ đầy để Tết thầy, mỗi người phải luôn ghi nhớ, luôn biết ơn những người thầy không sinh thành ra mình nhưng là những người đã có công lao dưỡng dục không khác gì cha mẹ mình. Thầy cô luôn là người có công lao rất lớn với mỗi người khi trưởng thành.
Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới…
Tri ân với những người thầy đã giúp chúng ta trưởng thành cùng năm tháng trên ghế nhà trường không chỉ giúp chúng ta có tri thức mà quan trọng phải có nhân cách trở thành những người tử tế, những người có phẩm chất năng lực để đóng góp cống hiến cho xã hội.
Tri ân những người giúp đỡ mình, dẫn dắt mình trưởng thành trong cuộc sống là một phẩm hạnh mà ai cũng phải có. Một người sống không biết tri ân, không biết bao dung, không có lòng từ bi, yêu thương bao la, không có lòng tự trọng, tự chịu trách nhiệm về mỗi hành vi của mình, chắc chắn người đó không thể "lớn nổi thành người".
"Từ ngàn xưa, ông cha ta quan niệm về người thầy cũng rất thực tế, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", cách nói ví von hình ảnh tượng trưng này để chỉ người giúp ta "một chữ" hay "nửa chữ" đều phải tôn trọng để học hỏi và phải tri ân tất cả những người đã giúp đỡ ta. Có thể hiểu rộng ra bạn bè, sách vở đều là những người thầy giúp ta trưởng thành, đều phải trân quý", nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.