Mùi sinh dục là do sự kết hợp dịch tiết âm đạo, nội tiết, mồ hôi và các nguồn bên ngoài như nước tiểu, phân... Khi một trong các yếu tố trên không bình thường đều có thể khiến vùng kín nặng mùi.
Dịch âm đạo thường có màu trắng trong như lòng trắng trứng, dai có thể kéo thành sợi, không có mùi hoặc hơi tanh. Sau dậy thì, dịch tiết âm đạo thường xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm trước khi rụng trứng, trước kinh nguyệt, trong sinh hoạt tình dục. Dịch có vai trò bôi trơn, giữ ẩm, ổn định môi trường sinh dục nhằm hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều khi sự tấn công của mầm bệnh vượt quá khả năng bảo vệ của dịch, dẫn đến viêm nhiễm và có mùi hôi.
Nguyên nhân "cô bé" có mùi
Đôi khi dịch âm đạo có mùi cũng là bình thường. Mùi này có thể thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt nhưng đa phần nó thực sự do bệnh lý viêm nhiễm âm đạo, với các nguyên nhân thường gặp như:
- Do vi khuẩn: phụ nữ ở độ tuổi sinh nở hầu như thường trải qua ít nhất 1 lần bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Các triệu chứng viêm âm đạo do vi khuẩn có thể là rát ngứa, đau, mùi khó chịu và ra nhiều dịch. Quan hệ tình dục không dùng bao cao su và thụt rửa thường xuyên khiến chị em có nguy cơ mắc cao bị nhiễm khuẩn âm đạo.
- Do nhiễm nấm: Đây là bệnh phụ khoa thường gặp, điều trị dễ dàng nhưng nếu không vệ sinh âm đạo đúng cách bệnh có thể tái phát. Ngoài việc ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục, bệnh còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tâm lý của chị em phụ nữ. Nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể gây nên những bệnh lý nguy hiểm hơn như suy giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục: phổ biến nhất là bệnh Chlamydia và bệnh lậu. Dấu hiệu thường thấy nhất đó là tiểu buốt, ra dịch nhiều, mùi khó chịu, đau khi quan hệ tình dục…
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách: Thụt rửa, xịt nước quá sâu vào vùng kín vô tình lấy đi các vi khuẩn có lợi trong âm đạo và các sản phẩm có mùi sẽ gây rát ngứa, khó chịu.
- Bệnh viêm vùng chậu: Bệnh viêm vùng chậu sẽ khó được chẩn đoán cho đến khi chị em phải chịu những cơn đau đớn hoặc khó có thai bởi thường thì chúng không gây triệu chứng gì, hoặc dấu hiệu lại dễ lẫn với các bệnh khác như: đau xương chậu, vùng kín có mùi khó chịu, ra nhiều dịch, sốt, mệt mỏi, đau rát khi giao hợp và tiểu buốt…
- Ngoài ra, vùng kín nặng mùi có thể kể đến các yếu tố như: Đổ mồ hôi quá mức, đặc biệt liên quan với béo phì. Táo bón mạn tính, đầy hơi và chế độ ăn uống dẫn đến gia tăng mùi trực tràng. Đái dầm, giải phóng ammoniac. Đại tiện không kiểm soát. Ung thư âm hộ, khi đó nó là nguyên nhân nhân dẫn đến hoại tử. Mưng mủ hay hoại tử do ung thư một bộ phận sinh dục khác. Hội chứng mùi cá ươn. Dò âm đạo trực tràng hoặc bàng quang có thể là sau sinh đẻ, chấn thương hay do phẫu thuật…
Lời khuyên của bác sĩ
Viêm nhiễm vùng kín nếu không chữa trị đúng, kịp thời, để tái đi tái lại, dễ gặp các biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe phụ khoa, hoạt động, chức năng của các cơ quan sinh dục khác. Lâu dần, những bệnh lý phụ khoa này còn có thể ảnh hưởng tới khả năng của tử cung, làm viêm vòi trứng, tắc ống dẫn trứng, kéo theo đó là hệ quả vô sinh, hiếm muộn. Vì thế, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách, bằng cách như sau: sử dụng nước ấm sạch để rửa vùng kín, sau đó lau bằng khăn mềm. Chọn dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp và lành tính, tránh sản phẩm có mùi thơm hoặc hóa chất độc hại.
- Không dùng thuốc xịt âm đạo, nước hoa hoặc xà phòng thụt rửa sâu trong âm đạo.
- Lựa chọn quần lót có khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Quần lót nên được thay thế hàng ngày, giặt sạch sẽ phơi dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ vi khuẩn.
- Khi đi vệ sinh, để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập âm đạo, chú ý lau từ chiều trước ra sau.
- Những ngày đèn đỏ, cần thay băng vệ sinh 3 - 4 giờ/lần, trước khi thay cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ và lau khô. Chọn băng vệ sinh chất lượng, thấm hút dịch tốt.
- Nên đi khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe vùng kín.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học
Xem thêm video được quan tâm
Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai -SKĐS