Hà Nội

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru

12-02-2024 09:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hát ru Cảnh Dương là loại hình văn nghệ dân gian độc đáo mang đậm nét văn hóa của một trong "bát danh hương" (8 ngôi làng nổi tiếng). Những làn điệu xuất phát từ thực tế đời sống, lao động thường do đàn ông lĩnh xướng.

Làng đàn ông hát ru

Làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với lịch sử hơn 380 năm hình thành và phát triển. Làng là một trong "bát danh hương" - 8 làng nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Bình. Nằm bên sông Loan, núi Phượng, hướng Đông là bờ biển dài, làng Cảnh Dương mang trong mình một kho tàng đồ sộ về văn hóa dân gian, trong đó có làn điệu hát ru độc đáo.

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru- Ảnh 1.

Làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với lịch sử hơn 380 năm hình thành và phát triển mang trong mình kho tàng đồ sộ về văn hóa dân gian, trong đó có làn điệu hát ru độc đáo.

Nói đến hát ru, nhiều người liên tưởng tới hình ảnh những người bà, người mẹ ôm cháu hát ru. Nhưng làng Cảnh Dương có lẽ là ngôi làng duy nhất  mà  ở đây đàn ông lại là người cất lên những điệu hát ru ngọt ngào, giàu hình ảnh và thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người.

Hát ru Cảnh Dương là loại hình văn nghệ dân gian mà hầu như chỉ đàn ông lĩnh xướng. Lời hát ru xuất phát từ thực tế đời sống, lao động sản xuất của ngư dân với những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương.

Không bắt đầu bằng câu "à ơi" như nhiều địa phương khác, mở đầu và kết thúc của điệu hát ru Cảnh Dương là câu "hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...". Những người cha, người ông hát ru với làn điệu riêng, âm hưởng có phần nặng, như muốn át tiếng sóng biển rì rầm.

Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc (SN 1968, trú xã Cảnh Dương) lý giải, điệu hát ru Cảnh Dương thường do đàn ông lĩnh xướng, lời hát kể về những ngày lênh đênh trên biển, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn thường trực trong họ. Ban đầu, hát ru được cất lên giữa những bạn thuyền với nhau, hát để tỏ bày tâm trạng của chính mình. Lời hát cất lên giữa trùng khơi khiến họ phần nào vơi đi nỗi nhớ, tiếp thêm động lực để hăng say lao động.

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru- Ảnh 2.

Lời hát ru Cảnh Dương xuất phát từ thực tế đời sống, lao động sản xuất của ngư dân, là những lời hát đậm chất văn hóa miền biển, sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương.

Sau mỗi chuyến biển, đàn ông Cảnh Dương thường ở nhà trông con, trông cháu để phụ nữ mang hải sản ra chợ bán. Khi đó, những làn điệu hát ru với ngôn từ chân chất, thân quen giúp con trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Lời hát còn là lời răn dạy về việc đối nhân xử thế, tình yêu, tấm lòng của cha mẹ dành cho con trẻ.

Qua bao thế hệ, những câu hát mộc mạc và bình dị len lỏi vào từng góc của đời sống sinh hoạt, lao động và thường trực trong tiềm thức người dân làng biển: 

"Hò he, hò hè, bôồng bôổng bôông bôông

Ai về đất Cảnh hôm nay

Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều, bôồng bôổng bôông bôông, hò he hò hè

Thuyền anh chở nặng cá tôm

Trên bờ em đón trái tim rộn ràng, bôồng bôổng bôồng bôồng, hò hẻ hò he…".

Bảo tồn, phát huy làn điệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Trải qua thăng trầm của thời gian, dù cuộc sống hiện đại có xô bồ hơn, bao thế hệ người Cảnh Dương vẫn không quên điệu hò ông, cha ru mình thủa bé. Họ chính là những người đang thực hiện vai trò "tiếp lửa" để lưu giữ, bảo tồn, phát huy làn điệu hát ru của làng biển Cảnh Dương. Tại ngôi làng này, không ai là không biết đến nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc.

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru- Ảnh 3.

Nghệ nhân ưu tú Lê Thành Lộc.

Nghệ nhân Lộc chia sẻ, như bao người con của Cảnh Dương, từ thuở ấu thơ ông được nghe rất nhiều điệu hát ru, hò chèo cạn. Lời hát ru êm ái, đậm nét riêng của quê hương dần ngấm sâu vào tâm trí khiến ông say mê lúc nào không hay.

Học hết cấp 2, ông Lộc thi vào Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Huế. Nhưng sau biến cố của gia đình, ông phải bỏ học giữa chừng, gác lại giấc mơ dang dở. Tình yêu dành cho văn hóa - văn nghệ dân gian, đặc biệt là điệu hát ru của quê hương luôn "cháy" trong ông. Cơ duyên khi ông được nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức nhận làm học trò rồi tận tình chỉ dạy, rèn giũa.

Khi người thầy của mình qua đời, để lưu truyền những di sản văn hóa dân gian, nhất là làn điệu hát ru cho thế hệ sau, ông Lộc cùng dân làng trình bày nguyện vọng với UBND xã thành lập CLB dân ca  Cảnh Dương.

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru- Ảnh 4.

Người già, người trẻ ở làng biển Cảnh Dương vẫn luôn tự hào về hồn cốt của quê hương và mong muốn nét đẹp văn hóa ấy được giữ gìn, phát huy.

Khi CLB Dân ca Cảnh Dương ra mắt, ông Lộc được bầu làm chủ nhiệm. Ông đã tiến hành sưu tập, cải biên, sáng tác những lời hát ru phù hợp với sự đổi thay của quê hương, gắn với chủ đề quảng bá hình ảnh, con người Cảnh Dương và giáo dục con cháu truyền thống anh hùng cách mạng.

"Tôi mê say văn hóa dân gian, yêu tha thiết làn điệu hát ru của quê hương và rất sợ nó mai một nên tiếp nối cha ông mày mò sưu tầm, nghiên cứu để góp phần gìn giữ", ông Lộc chia sẻ.

Ngoài vai trò chủ chốt trong CLB Dân ca Cảnh Dương, ông Lộc còn là người biểu diễn chính trong các lễ hội quan trọng của làng, như lễ hội cầu ngư.

Về làng Cảnh Dương nghe đàn ông hát ru- Ảnh 5.

Ngoài vai trò chủ chốt trong CLB Dân ca Cảnh Dương, ông Lộc còn là người biểu diễn chính trong các lễ hội quan trọng của làng như lễ hội cầu ngư.

Theo cán bộ văn hóa huyện Quảng Trạch, ông Lê Thành Lộc là một người rất tâm huyết với phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Ông nhiệt tình truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm về hát dân ca, nhất là làn điệu hát ru của làng biển cho lớp trẻ. Ông Lộc góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và khơi dậy phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương. Năm 2019, ông Lê Thành Lộc vinh dự được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Năm 2023, hát ru ở xã Cảnh Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Sự ghi nhận này sẽ là cơ hội để địa phương có thêm động lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản thành sản phẩm du lịch với nhiều nét văn hóa độc đáo.

Lễ cầu ngư của làng biển 400 tuổi tại Quảng BìnhLễ cầu ngư của làng biển 400 tuổi tại Quảng Bình

SKĐS - Với mong muốn một năm mới bình an, một mùa biển an toàn và bội thu, vào Rằm tháng Giêng hàng năm, ngư dân làng biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tổ chức lễ cầu ngư, tế tổ nghề tại đền thờ cá ông.

Video: Xã biển Cảnh Dương - Một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình.


Đan Thanh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn