Những người đàn bà làng biển...

30-06-2013 08:00 | Thời sự
google news

Biết bao làng biển trên dọc dài đất nước này chẳng ai có thể nhớ hết. Nhiều làng biển tôi đã đi qua chỉ như một chấm tròn nhỏ bé, ấy vậy mà mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn của những người phụ nữ làng biển ấy.

Biết bao làng biển trên dọc dài đất nước này chẳng ai có thể nhớ hết. Nhiều làng biển tôi đã đi qua chỉ như một chấm tròn nhỏ bé, ấy vậy mà mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn của những người phụ nữ làng biển ấy. Nhưng một điều có thật khi tôi vẫn thấy những người phụ nữ chịu đời đắng cay vì giông tố khơi xa vẫn sống kiên cường và kiên định một tình yêu với biển cả mênh mông...

Những hòn vọng phu trên bờ cát

Xóm Gành Cả, làng Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) một buổi chiều hè như bình yên hơn trong sự hiền hòa của đại dương. Trời yên, biển lặng, những con sóng như đang rì rầm kể nhau nghe chuyện từ khơi xa. Trong những lời biển cả ấy có câu chuyện về những người đàn ông xấu số bỏ mình trên biển. Vào những buổi chiều như thế, chị Phạm Thị Bảy lại một mình ngồi trên bến vắng nhìn về mịt mùng biển thẳm nơi chồng chị đi mãi chưa về. Cái ngày định mệnh ấy xảy ra vào 8 năm trước, anh Nguyễn Đình An (chồng chị) đã mất trong một chuyến đi biển cuối năm. Người làng đã tìm mọi cách vớt xác anh để mang về nhưng giông tố biển khơi đã giữ anh mãi mãi cùng những con sóng bạc đầu. Sau 3 tháng 10 ngày đau đớn tìm kiếm khắp các bờ biển, cuối cùng, chị Bảy đành chấp nhận lập mộ gió thờ chồng. Cũng từ ngày ấy, chị bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Do sức khỏe kém nên công việc hàng ngày của chị là giúp việc và đan lưới thuê cho những gia đình ngư dân trong xóm để nuôi 2 đứa con nhỏ. Thỉnh thoảng, trong những giấc mơ, chị lại thấy chồng mình hiện về an ủi vợ. Nỗi nhớ thương và niềm hy vọng về một phép màu vì thế chưa bao giờ tắt lửa trong lòng người đàn bà đáng thương ấy.

Những người đàn bà làng biển... 1

Giống như chị Bảy, làng Châu Thuận Biển này cũng có hàng trăm phụ nữ có chồng làm nghề biển và thỉnh thoảng người làng lại chứng kiến cảnh những người phụ nữ chạy dọc bờ biển thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình trong mùa bão nổi. Khi linh hồn những người đàn ông ấy không còn “treo cột buồm” nữa mà tan vào muôn con sóng biển khơi thì người phụ nữ mà họ yêu thương cũng bắt đầu cuộc đời buồn bã. Khi chúng tôi tìm gặp và hỏi về hoàn cảnh gia đình thì chị Nguyễn Thị Hay rưng rưng nước mắt. Nỗi nhớ, niềm thương, sự tủi cực như là một cảm giác thường trực trong trái tim người phụ nữ ấy để mỗi lần có người nhắc đến là nước mắt lại tuôn trào. Chồng chị, anh Huỳnh Cường (sinh năm 1966) đã mất hơn 15 năm nay khi mới cưới vợ được 3 năm, lúc ấy chị Hay đang mang bầu đứa con thứ 2. “Tưởng chừng như bầu trời sụp đổ trước mắt tôi khi lần lượt những chuyến tàu đã cập bến mà chồng tôi thì ở lại với sóng. Cơn bão đã cướp đi sinh mệnh anh ấy khi giấc mơ về một cuộc sống gia đình đủ đầy chưa thành. Người làng an ủi tôi rằng biết đâu anh còn sống nhưng đợi mãi tôi chẳng thấy anh về, có lẽ đành chấp nhận sự thật ấy mà thôi. Đau đớn dâng đầy, nhiều lần tôi đã tìm đường đến với anh ấy nhưng rồi 2 đứa con thơ dại đã níu chân tôi lại!”, chị Hay tâm sự.

Cứ thế, chiều chiều chị Hay cùng những người đàn bà của làng chài chạy ra sát chân sóng, chỉ nhận được những mảnh vụn của không biết bao nhiêu chiếc tàu dạt vào bờ. Trong tiếng gió biển và sóng vỗ chan chát vào bờ là tiếng khóc, tiếng kêu gào của những người phụ nữ mất chồng, mất con trong cơn bão. 1 ngày! 2 ngày! Rồi 1 tháng, và nhiều tháng trôi qua từ sau những đêm định mệnh ấy, chiều chiều, người dân xóm chài vẫn thấy có những người mẹ dẫn theo những đứa trẻ mới chập chững biết đi, hay những cái bóng già nua liêu xiêu trong nắng chiều đứng dưới những hàng phi lao nhìn mãi về phía biển, ngóng mãi những con tàu sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Rồi người ta lại thấy những đám tang mà mộ phần chẳng có gì ngoài một bức tượng đất sét và những lời cầu nguyện thầm thì thoang thoảng như tiếng sóng mênh mang. Những ngôi mộ gió...

Trung trinh thờ chồng nuôi con

Nếu không kể cơn bão Conson thì từ năm 2009 - 2012, làng này có 33 người nằm lại với biển khơi. Phần lớn người tử nạn đều hành nghề lặn trên các quần đảo Hoàng Sa. Còn lại là do lốc xoáy bất ngờ đánh rơi xuống biển; bị sét đánh trên biển; tàu gặp bão bị chìm... Giờ thì nhiều người đàn bà làng biển này đã quen với cảnh góa bụa, hàng ngày làm lụng nuôi con. Biển bình yên và dữ dội, biển cho ngư dân cơm áo nhưng cũng lắm khi trong cơn giận dữ đã cướp đi cuộc sống của bao người. Và sau mỗi trận cuồng phong, xã biển Bình Châu lại có thêm những người phụ nữ góa bụa. Những cái tên được nhắc đến như chị Trần Thị Thanh, Trần Thị Vinh (thôn Châu Thuận Biển), Hà Thị Cúc, Trần Thị Hải (thôn Bình An Nội)... và nhiều cái tên khác với cảnh ngộ chung đều gợi lên thanh âm buồn từ biển cả bao la. Lạ một điều là ở các làng biển này, không một ai đi bước nữa, họ ở vậy thờ chồng hay chờ chồng trong nỗi hy vọng mong manh và làm lụng nuôi con cái lớn khôn. Bây giờ, những đứa trẻ trong độ 5 - 6 tuổi ở đây, nếu em nhỏ nào không biết mặt cha thì đó là con của những người xấu số mất tích trên biển năm xưa. Như cuộc đời bà Nguyễn Thị Dục: Bà có 2 lần biển làm rơi nước mắt, đưa bà đến cảnh goá bụa đơn côi. Lần đầu bà khóc chồng mệnh bạc ra đi khi tuổi chưa tới tứ tuần. Bóp bụng nuôi đứa con trai Nguyễn Thanh Dũng lớn lên. Thế rồi, khi nó theo người đi biển được 2 năm, mới bước vào năm thứ 3 thì mất tích trên biển trong bão khi mới 25 tuổi đời vào một đêm tối lạnh giá cách đây gần 5 năm, bỏ lại trên đời người mẹ lẻ loi một mình. Bây giờ, tóc đã chuyển màu, không ít lần, bà Dục nhìn lên di ảnh con trai rồi âm thầm khóc...

Và giờ, người dân thôn Châu Thuận Biển đã quen với hình ảnh ngược xuôi, khi thì đi nướng cá thuê, khi thì đi bán rượu... gắng nuôi 2 đứa con ăn học hy vọng một cuộc đời mới mở ra cho những đứa con của nhiều người phụ nữ. Hay thương cho hình bóng của chị Trần Thị Thanh thay chồng đi biển nuôi con. Tôi nghe chuyện đi biển của chị Thanh, nhìn đôi bàn tay của chị chai sần với những vết cắt của lưới, nghe giọng nói át cả tiếng sóng đặc trưng của người lênh đênh trên biển, nhìn sâu vào trong cả nước da rám nắng là minh chứng của biết bao lần thay chồng đi biển nuôi con của chị cũng như của nhiều người đàn bà khác. Chị Thanh thủ thỉ: “Mình là dân làng biển, biết rằng đôi lúc biển cả nổi cơn giận dữ nhưng không làm nghề biển thì còn biết làm gì hơn được. Đời cha, đời ông, đời chồng mình đã gắn bó với biển, mất mát cùng biển. Ngay cả đến lúc chết cũng hòa tan với biển. Biển cả là đau thương với mình nhưng cũng là niềm tin với mình. Mỗi lần ra biển, tôi lại như thấy cha, thấy chồng mình đang ở đó, nâng đỡ mình dưới mỗi con sóng thăm thẳm ngoài kia”. Tôi hiểu trong những lời thủ thỉ của chị có cả những giọt nước mắt đau xót vì mất chồng, những cái cười như mếu vì phận đàn bà long đong trên biển mưu sinh và cả niềm mơ ước, niềm hy vọng vào những đứa con đang học hành trên bờ để các chị gắng sức vượt qua những cơn sóng dữ.

Những người đàn bà làng biển... 2
 Nhiều người đàn bà của làng biển này ở vậy thờ chồng nuôi con.

Chị Nguyễn Thị Tố Nga - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bình Sơn cho biết: “Toàn xã Bình Châu hiện có khoảng 800 chị có chồng làm nghề biển, mỗi mùa ra khơi là cả xã chung một nỗi phập phồng chờ đợi. Những người đàn ông ấy hầu hết đều trở về với niềm vui cá đầy nhưng trong số đó cũng có những người xấu số và người phụ nữ của họ phải bắt đầu chấp nhận một cuộc đời buồn tẻ cơ cực!”. Nhiều người bảo: “Đừng nhìn họ ở vẻ bề ngoài như thế. Đừng tưởng họ mạnh mẽ, kiên cường như đã chai lỳ cảm xúc mà tội cho họ. Thực ra, mỗi lần chỉ cần có một đợt gió mạnh thổi về là họ lại giật mình. Có người chạy ra giữa cơn dông bão như thế mà gọi tên chồng, gọi tên người thân đấy!”.

Rồi mai đây, khi đứa con trai, con gái của những người đàn bà làng biển này lớn lên lại theo trai làng ra khơi, lại nên duyên chồng vợ với những ngư dân bám biển bám thuyền, lại ngày đêm phập phồng về những chàng trai vạm vỡ “hồn treo cột buồm”. Ngày ra khơi, bao thuyền viên, thuyền trưởng đều vui sướng trên chuyến hải trình xa thẳm, với mong ước thuyền ghe đầy tôm cá trở về. Nhưng mấy ai ngờ những rủi ro trước mặt, biển trở thành nỗi ám ảnh khôn cùng. Có lẽ nước biển sẽ còn mặn hơn theo năm tháng, khi có nhiều người đàn ông xứ biển ra khơi mãi mãi không về. Và rồi, còn có biết bao thân phận là vợ, là mẹ cứ chiều chiều ra biển trông chờ trong niềm tiếc nuối vô vọng...

Vĩ thanh

Biển nhân ái và bao dung nhưng lắm khi cũng trở thành nỗi ám ảnh của bao kiếp người sống nhờ vào biển. Nhưng như một mối nhân duyên từ tiền kiếp, bao lớp người lớn lên bên bờ biển lại gắn bó đời mình bằng nghiệp biển lênh đênh. Những đứa trẻ lớn lên cùng biển rồi yêu thương nhau, nên vợ nên chồng và cùng chọn con đường mưu sinh của bao đời cha ông truyền lại. Dẫu có nhiều gian nan nhưng ngày nay, với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, những tàu cá nhỏ đang dần chuyển đổi thành những tàu cá lớn, thông tin liên lạc trên biển ngày càng hiện đại hơn, mọi nỗi băn khoăn đã dần được đẩy lùi. Ngư dân ven biển vẫn kiên định một tình yêu với biển, vẫn tin vào những ân điển từ biển khơi. Và những người vợ chịu cảnh góa bụa vì biển vẫn vô cùng thành tâm trong lễ tạ ơn biển cả. Tôi hiểu rằng, dẫu những bờ cát có chất đầy bao niềm hy vọng mong manh, những người đàn bà ấy vẫn nhen nhóm trong lòng những mùa hy vọng mới từ những đứa con của họ bởi với họ, biển cả muôn đời rất đỗi thiêng liêng...           

Bài vả ảnh: Gia Ly


Ý kiến của bạn