Ưu tiên chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTS

30-11-2021 08:13 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - "Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người", Thông điệp của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) gửi tới các quốc gia cũng là vấn đề mà Việt Nam luôn quan tâm, nhất là với các đối tượng yếu thế.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTS

Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara cho biết, đây là một vấn đề còn nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, qua chuyến khảo sát tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, phụ nữ mang thai tại các vùng DTTS tỉnh Lai Châu của UNFPA với Bộ Y tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã cho thấy rõ nét điều này.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, Lai Châu, thói quen đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ của người dân nơi đây còn phổ biến. Tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Mảng,… mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra những nguy cơ tai biến sản khoa trong cộng đồng.

Cần chú trọng hơn tới sức khoẻ sinh sản cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Cần chú trọng hơn tới sức khoẻ sinh sản cho người dân vùng DTTS và miền núi.

Không chỉ riêng thời điểm COVID-19, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng DTTS trong nhiều năm qua luôn gặp phải nhiều khó khăn, rào cản. Thời gian qua, dù Việt Nam rất chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng DTTS. Tuy nhiên, vấn đề này chưa thật sự đồng đều giữa các dân tộc.

Chia sẻ thông điệp Ngày dân số thế giới năm nay, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Do đó, UNFPA đã đưa ra thông điệp "Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người".

Theo UNFPA phân tích, trong đại dịch COVID-19, một số quốc gia buộc phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, từ đó làm ảnh hưởng, gián đoạn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản bởi các quốc gia này coi đây là dịch vụ không thiết yếu.

Từ thực trạng này, UNFPA đã đưa ra khuyến cáo, các quốc gia cần quan tâm ưu tiên hơn tới vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Theo đó, các quốc gia cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ trẻ em sơ sinh tại nhà và nỗ lực đảm bảo mức độ bình đẳng giới. Đặc biệt, đối với phụ nữ là người DTTS và miền núi càng cần được ưu tiên chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Góp phần nhằm giảm tối đa tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, từng bước nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ý nghĩa nhân văn từ dự án "Hành trình bảo vệ sức khỏe sinh sản vùng cao"

"Hành trình bảo vệ sức khỏe sinh sản vùng cao" là tên Dự án của Nguyễn Minh Thiện, sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, với mục đích góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ DTTS.

Là sinh viên Y khoa, sinh ra và lớn lên tại một vùng quê còn nhiều khó khăn thuộc xã La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Từ nhỏ, Thiện đã chứng kiến những người phụ nữ DTTS quê mình không được chăm sóc sức khỏe sinh sản đến nơi đến chốn. Tất cả những bất cập đó đã thôi thúc Thiện thực hiện Dự án ý nghĩa này.

Thiện chia sẻ, Dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và kết hôn cận huyết cũng như vấn đề bảo vệ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Đồng thời, thăm khám, đánh giá tình trạng sức khoẻ sinh sản, sàng lọc, phát hiện bệnh lý sản phụ khoa, định hướng điều trị,…cho phụ nữ người DTTS trong độ tuổi sinh đẻ.

Nhóm đối tượng thụ hưởng mà Dự án hướng đến, trước tiên là đồng bào dân tộc Mông. Địa bàn triển khai Dự án khởi nguồn tại tỉnh Lai Châu. Sau đó nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cao: Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai,...

Dự án của Nguyễn Minh Thiện đã vượt qua hàng trăm đề tài và đạt giải Nhì tại cuộc thi Dự án tình nguyện do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuối năm 2020.


T. Kiệt
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn