Hà Nội

Chăm sóc sức khỏe sinh sản nâng cao chất lượng cuộc sống vùng dân tộc ít người

28-11-2021 18:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực của các cấp ngành, chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy lùi các hủ tục, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vẫn cao gấp 3 lần so với cả nước. Mặc dù vấn đề chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản (SKSS) nói riêng đối với phụ nữ DTTS đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước.

Việc thiếu kiến thức trang bị trong suốt quá trình mang thai như: Không chăm sóc, nghỉ dưỡng trong thời kỳ thai nghén, không đến cơ sở y tế sinh con, không kiêng cữ sau khi sinh con… là những thói quen của đa số phụ nữ đồng bào DTTS làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Nguyên nhân của tình trạng trên được phân tích dưới nhiều góc độ. Nhận thức của một bộ phận DTTS còn hạn chế, phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu. Ngoài ra, hệ thống y tế ở vùng DTTS, các trạm y tế xã còn hạn chế về năng lực trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và SKSS của phụ nữ và cả nam giới. Thực tế cho thấy, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn những khoảng cách, đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp cụ thể để nâng cao chất lượng dân số...

Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Nâng cao chất lượng cuộc sống dân tộc ít người - Ảnh 1.

Cán bộ trạm y tế xã Phú Cường (Tân Lạc) tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ảnh: Báo Hòa Bình

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua ngành y tế nói chung đã chủ động phối hợp cùng các ngành liên quan duy trì, mở rộng các mô hình, câu lạc bộ về Dân số - Kế hoạch hóa gia đinh (DS-KHHGĐ). Việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ được các cơ quan, đơn vị. Các địa phương thường xuyên tổ chức các đoàn công tác tới các vùng sâu nơi tập trung đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống để phổ biến thêm về kiến thức SKSS.

Đồng thời, ngành y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho phụ nữ độ tuổi sinh sản tại vùng núi có mức sinh cao, vùng khó khăn và đông dân, dân tộc ít người sinh sống giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, tăng cao tỷ lệ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại. Thực hiện song song 3 kênh cung ứng các BPTT, gồm: Miễn phí, tiếp thị xã hội và kênh xã hội hóa phương tiện tránh thai/hàng hóa SKSS/dịch vụ KHHGĐ.

Tại tỉnh Hòa Bình, thực hiện chỉ thị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, MTTQ và tổ chức CT-XH đã vào cuộc tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có sự đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp với các đối tượng, hướng trực tiếp về cơ sở, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, nơi có tỷ lệ tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên cao. Các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ ngày càng mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu của các đối tượng.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản: Nâng cao chất lượng cuộc sống dân tộc ít người - Ảnh 2.

Trang bị kiến thức SKSS giúp nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào DTTS. Ảnh: daidoanket.vn

Tại tỉnh Yên Bái, ngành Y tế tỉnh đã duy trì triển khai Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 27/10/2017 thực hiện "Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017 - 2020". Trong đó, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ DTTS về sức khỏe sinh sản. Điều này không những nâng cao SKSS của cả bà mẹ và trẻ em trong quá trình mang thai mà điều quan trọng là góp phần đẩy lùi các hủ tục, đặc biệt là tảo hôn vẫn diễn ra tại một số địa phương vùng sâu vùng xa.

Theo báo cáo của Sở Y tế, việc duy trì triển khai tuyên truyền lồng ghép nhằm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người tại địa bàn đã đạt được những kết quả khả quan, giúp nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thuộc các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên… cho thấy tình tình trạng tảo hôn giảm đi đáng kể, góp phần duy trì nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.


Dương Tú
Ý kiến của bạn