Tỉ số tử vong mẹ ở vùng DTTS cao hơn trung bình cả nước
Các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cho thấy tình trạng sức khoẻ sinh sản (SKSS) của đồng bào các dân tộc thiểu số kém hơn so với mặt bằng chung của quốc gia. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ.
Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai cũng như sinh con tại các cơ sở y tế chỉ đạt 86,4%.
Điều này cũng là một trong số những tác nhân khiến tỉ số tử vong mẹ ở vùng DTTS cao hơn trung bình cả nước. Tỷ số tử vong mẹ của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 165/100.000 ca đẻ sống năm 2002 xuống còn 65/100.000 ca đẻ sống vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này ở 225 huyện DTTS miền núi và huyện xa xôi nhất vẫn ở mức 104/100.000 ca đẻ sống.
Cùng với đó, vẫn có sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các nhóm dân cư có mức độ phát triển kinh tế - xã hội cao và thấp, giữa các nhóm DTTS và đa số, và những người sống ở nông thôn và thành thị. Phụ nữ DTTS thuộc các hộ nghèo có nguy cơ không tiếp cận tới được các dịch vụ chăm sóc trước sinh cao hơn 3 lần, không được đỡ đẻ bởi nhân viên y tế có chuyên môn cao hơn 6 lần.
Nguyên nhân của tình trạng trên được phân tích dưới nhiều góc độ. Như, còn nhiều hạn chế, yếu kém của hệ thống y tế ở vùng DTTS, các trạm y tế xã còn hạn chế về năng lực trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và SKSS của phụ nữ và nam giới DTTS.
Rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ y tế và người dân; những tập tục văn hóa lâu đời ở một số DTTS không cho phép phụ nữ đến cơ sở y tế khám thai và sinh con; muốn được nhân viên y tế nữ khám bệnh và không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ; ở một số khu vực miền núi, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách tới cơ sở y tế xa...
Nhất là hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là vùng dân tộc miền núi càng khó khăn hơn.
Theo một nghiên cứu của UNFPA, ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Gián đoạn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lại càng trở nên trầm trọng hơn khi dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.
Đưa y tế đến gần người dân hơn
Trước thực trạng trên, nhiều địa phương đã từng bước tháo gỡ các khó khăn, khắc phục các yếu điểm để đưa y tế, khoa học đến gần với người dân hơn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, các hoạt động tuyên truyền về chăm sóc SKSS và sức khoẻ tình dục cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa trên nhiều địa bàn được đẩy mạnh và tiếp cận từng đối tượng. Cán bộ y tế phối hợp với trạm y tế các xã thường xuyên xuống tận các thôn, buôn để tư vấn cách chăm sóc sức khỏe; thuyết phục phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế để thăm khám và sinh con an toàn, tránh tai biến; sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình… Nhận thức về chăm sóc sức khỏe của phụ nữ dân tộc thiểu số đã ngày một thay đổi.
Đặc biệt trong đó, cán bộ kết hợp những người có uy tín trong thôn, làng để vận động bà con đẻ đủ số lượng con phù hợp với các vùng tỉ lệ sinh, tránh đẻ nhiều cũng như lựa chọn con trai gây mất cân bằng giới tính.
Như trước đây, người dân có thói quen đẻ tại nhà, thì nay nhân viên y tế đã tuyên truyền để phụ nữ có ý thức tìm tới cơ sở y tế để được khám, tư vấn và sử dụng các biện pháp sinh an toàn.
Phòng khám sản khoa được trang bị thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại như máy siêu âm 4D, máy theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh… nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân đã tin tưởng, tìm đến phòng khám nhiều hơn.
Nhiều vùng vì quan niệm cổ hủ phải có con trai để làm việc nặng, có con nối dõi nên đã đẻ nhiều, đẻ bằng được con trai dẫn đến kinh tế gia đình khó khăn, các con không được đi học, cuộc sống người phụ nữ khổ nhục và sức khỏe suy yếu… Thì nay, họ đã thay đổi suy nghĩ, chăm sóc con cái và coi trọng phụ nữ cũng như con gái hơn.
Điển hình trong các hoạt động này phải kể đến tỉnh Hà Giang. Thông qua triển khai các giải pháp mang tính đồng bộ như trên đã mang lại hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở Hà Giang. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được quản lý thai trên địa bàn tỉnh đạt trên 93%; số phụ nữ mang thai được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc… ngày một tăng. Phụ nữ dân tộc cũng đã biết thực hiện các biện pháp tránh thai mới an toàn. Cùng với đó, từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.