Uống rượu cho "ấm" người, nhiều quý ông nhập viện cấp cứu suýt chết

04-01-2020 08:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Số bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính vào cấp cứu tăng không chỉ vào thời điểm Noel, Tết dương lịch vừa rồi mà bắt đầu vào mùa đông của miền Bắc do đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan. Nhiều người còn cho rằng, rượu sẽ giúp làm "ấm” cơ thể, tuy nhiên hậu quả của việc làm này lại khá nặng nề....

Theo thông tin từ ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện có xu hướng gia tăng, trong đó tập trung vào người trẻ từ 20-40 tuổi, đang trong độ tuổi lao động.

Cũng theo BS. Nguyên, số bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính vào cấp cứu tăng không chỉ vào thời điểm Noel, Tết dương lịch vừa rồi mà bắt đầu vào mùa đông của miền Bắc, số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu đã gia tăng do đây là thời điểm mọi người tụ tập, rủ nhau liên hoan, uống rượu với quan niệm làm "ấm” cơ thể. Tình trạng lúc nhập viện của các bệnh nhân cũng rất khác nhau: Có người chỉ ở mức độ nhẹ, say xỉn, nôn mửa là chính. Tuy nhiên có khá nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng như hôn mê, tụt huyết áp cùng các tổn thương não nặng nề do suy hô hấp, hạ đường máu, tụt huyết áp kéo dài.

Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 2/1/2020, Trung tâm Chống độc đang điều trị cho 02 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện từ đêm 1/1/2020. Đây là 2 bệnh nhân khá trẻ, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, mất kiểm soát sau khi uống rượu chào đón năm mới cùng với bạn bè. Gia đình cho hay, sau khi uống khá nhiều rượu, bệnh nhân lâm vào hôn mê, bất tỉnh, huyết áp tụt. Khi vào viện các bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Sau một ngày điều trị, ý thức của bệnh nhân đang dần được cải thiện. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần theo dõi và điều trị lâu dài.

Bs tham kham cho BNBác sĩ Trung tâm Chống độc đang thăm khám cho BN ngộ độc rượu.

13 lần xuất huyết tiêu hóa vẫn chưa "chừa rượu"

Chia sẻ về tác hại của rượu bia với sức khỏe, BS. Nguyễn Trung Nguyên cho hay lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

BS. Nguyên nhấn mạnh: Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.

Còn theo các chuyên gia về tiêu hóa, thời điểm trước và sau tết, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu bia tăng cao, trong đó chủ yếu là xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy… Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng lạm dụng rượu kéo dài nhiều năm. Cá biệt có nhiều bệnh nhân ra vào viện 9-13 lần do xuất huyết tiêu hóa.

Các bác sĩ khuyến cáo, rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, rồi biến chứng hôn mê gan…

Cà Mau: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến tất cả người dân

Luật PCTH của rượu bia sẽ giảm gánh nặng do rượu bia gây ra

Để hạn chế những tác hại này thì Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã được ban hành và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020. BS. Nguyên kỳ vọng quy định này sẽ cải thiện, thay đổi lối sống, cách ứng xử và “văn hóa nhậu” của đại bộ phận người dân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là hạn chế thiệt hại về vật chất hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm do các vấn đề liên quan đến sức khỏe và bác sĩ cũng không bị quá tải vào mỗi dịp lễ, tết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Sau khi uống rượu bia bao lâu thì nồng độ cồn không còn trong máu?", bác sĩ Nguyên cho rằng đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng, chủng loại, nồng độ rượu sức khỏe, “tửu lượng” của từng người, rượu mình uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao….

“Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người”- bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Trước băn khoăn của người dân, có một số loại thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó như Socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng…. BS. Nguyên lưu ý, nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông. Nhưng người dân hoàn toàn yên tâm, các đồng chí công an có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần 2.


Mai Thanh - Lê Nguyên
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn