Tại khoản 5, điều 5 cấm cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) sử dụng và uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc và nghỉ giữa giờ sẽ được siết chặt hơn.
Thực tế, việc nghiêm cấm CB, CC, VC trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp hay người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp lạm dụng rượu, bia, uống rượu, bia vào giờ làm việc hoặc nghỉ giữa giờ cũng đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, văn bản hành chính, chỉ thị của người có thẩm quyền hoặc người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thế nhưng, lâu nay vẫn có việc CB, CC, VC, NLĐ sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa ca. Dường như những quy định nghiêm cấm cũng như chế tài xử lý chỉ mang tính chiếu lệ. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng phải nói là hiếm có ai bị xử lý kỷ luật vì hành vi này, cùng lắm chỉ là nhắc nhở, phê bình, sau đó tiếp tục vi phạm.
Giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong đó nhấn mạnh: Đối với CB, CC, VC, nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở chỉ đạo của Thủ tướng, quy định này đã chính thức được luật hóa tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Kể từ thời điểm này, việc cấm CB, CC, VC uống rượu bia trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ được siết chặt hơn, hạn chế tình trạng những người thi hành nhiệm vụ “trốn làm đi nhậu”.
Rượu, bia ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công việc. Một CB,CC,VC uống rượu, bia trong giờ làm việc hay trong giờ nghỉ trưa, trong giờ làm việc chắc chắn dễ buồn ngủ vào buổi chiều, ảnh hưởng đến năng suất lao động, hiệu quả làm việc của cá nhân và đơn vị. Đấy là chưa kể sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... và cả những hệ lụy phát sinh từ việc không kiểm soát được hành vi do rượu, bia quá đà. Như vậy, cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa, rất gây bức xúc và gây phản cảm, nó ảnh hưởng đến bộ mặt của cơ quan nhà nước cũng như cảm xúc của người dân khi mà người ta tiếp xúc với CB,CC, VC. Đối với các cơ quan công quyền, khi làm việc với người dân, cán bộ công chức Nhà nước nếu có khuôn mặt đỏ bừng, hơi thở có mùi rượu sẽ gây cảm giác thiếu tin tưởng, không hài lòng. Điều này cũng làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ công chức cũng như hình ảnh của chính cơ quan đó.
Bên cạnh đó, sau khi sử dụng rượu, bia, người điều khiển phương tiện thường không làm chủ được bản thân, đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, vượt sai quy định, đi sai làn đường, trong khi khả năng phán đoán và xử lý tình huống kém hơn là so với lúc bình thường nên rủi ro về tai nạn giao thông rất cao. Thực tế thời gian vừa qua, đã có không ít các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi uống rượu, bia của CB,CC, VC, đã gây bức xúc trong dư luận. Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng CB, CC, VC vẫn sử dụng rượu, bia trong giờ nghỉ trưa là do các cơ quan, đơn vị, nhiều địa phương, vẫn còn buông lỏng quản lý thời gian làm việc của nhân viên, chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát hành vi vi phạm này. Hơn nữa, nhiều cán bộ công chức không tự giác chấp hành. Trong khi đó, các cán bộ quản lý vẫn còn tâm lý “cả nể”, chưa nghiêm khắc xử lý nên hành vi vi phạm này rất dễ bị tái diễn.
Để Luật phát huy hiệu quả thực sự thì bản thân từng CB,CC,VC phải tự nâng cao nhận thức và có sự theo dõi, kiểm tra lẫn nhau, kịp thời báo cáo những trường hợp vi phạm cho thủ trưởng đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời. Các cơ quan cũng cần đưa việc thực hiện Chỉ thị 02 vào làm một trong các tiêu chí để đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng lấy phiếu tín nhiệm... chỉ khi CB,CC,VC thực sự thấy lợi ích của mình bị đe dọa bởi hành vi trên thì việc cấm công chức rượu bia mới có đủ sức nặng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, nếu có trường hợp tái phạm thì cũng phải xem xét nghiêm túc, áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác cán bộ.