Uống đủ nước dù chưa thấy khát
Mất nước là nguyên nhân chính dẫn đến sốc nhiệt nhất là mùa hè nóng bức. Cơ thể cần đủ lượng nước để các cơ quan hoạt động tốt. Để chống mất nước, sốc nhiệt, cần luôn nhớ uống đủ nước, không để khát mới uống nước.
Nhưng nếu chỉ uống nước lọc thôi không đủ do mùa hè, lượng mồ hôi mất đi quá nhiều do hoạt động thể lực, làm việc môi trường nắng nóng nên tốt nhất uống nước pha loãng muối đường (oresol) để vừa cung cấp nước, cung cấp điện giải mất đi theo mồ hôi.
Bổ sung nước oresol rất rẻ, tiện lợi, chỉ 1 gói oresol có thể pha cả lít nước, mang theo khi đi ra ngoài, rất hiệu quả để phòng rối loạn điện giải, mất nước qua mồ hôi. Mỗi ngày, lượng nước người lớn cần uống bổ sung từ 2-3 lít nước và có thể hơn nếu nhiệt độ cao khi đi ra ngoài hoặc làm việc dưới trời nắng nóng.
Các loại nước tự nhiên có tác dụng bù nước hiệu quả
Trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều, ngoài việc uống nước lọc phải cần bù thêm nước khác giúp cơ thể đủ nước. Một số loại nước trái cây tốt cho cơ thể trong mùa hè là:
- Nước ép dưa chuột: Dưa chuột chứa 95% nước, 1 cốc nước ép dưa chuột chỉ chứa 16 calo. Nên để cả vỏ xanh và cần rửa sạch sau đó ép lấy nước vì nó chứa hàm lượng vitamin C, chất chống oxy hóa cao có thể chống lại bệnh ung thư da do tia UVA/UVB gây ra.
- Dưa hấu: Loại quả này chứa 92% nước, có tác dụng kích thích tiết ra mồ hôi, giảm say nắng. Có thể ép nước hoặc ăn dưa hấu cũng bù nước tốt cho cơ thể.
- Dưa lê, xoài: Đây là loại quả nhiều nước, giàu chất xơ hòa tan giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và bảo vệ khỏi chứng say nóng. Ngoài ra loại trái cây giàu chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe, như vitamin C, vitamin A và vitamin B6 …Vì vậy, có thể ép nước hay ăn trái cây cũng rất tốt trong mùa nóng.
- Nước bạc hà: Lá bạc hà tươi ép lấy nước rất tốt vào mùa hè vì chúng có chứa tinh dầu bạc hà, giúp kích thích các đầu dây thần kinh để đối diện với nắng nóng gay gắt đồng thời làm dịu mát cơ thể.
- Nước ép cần tây: Cần tây chứa 96% nước và là một nguồn giàu magie, canxi, sắt và kẽm giúp làm tăng các chất điện giải trong cơ thể và ngăn trào ngược axit, bảo vệ cơ thể chống sốc nhiệt.
- Các loại đậu đỗ: Ngoài tác dụng dưỡng ẩm, đậu đỗ, nhất là đậu đen, đậu xanh... rất giàu vitamin C giúp bảo vệ da khỏi cháy nắng và hỗ trợ sản xuất collagen. Thông thường để giải nhiệt, bù nước nên đun đậu đen, đậu xanh, đậu nành lấy nước uống rất tốt trong mùa hè, không nên cho nhiều đường sẽ khiến thêm khát và có nguy cơ béo phì.
Không nên lạm dụng nước đóng chai giải nhiệt
Bên cạnh các loại nước từ thiên nhiên, nước giải nhiệt tự nấu, trên thị trường còn có nhiều loại nước đóng chai có tính năng bù nước, bù điện giải, siro bù nước...
Tuy nhiên, các loại nước đã đóng chai sẵn đa số chứa nhiều đường, có ít nhiều có các chất bảo quản nếu uống nhiều có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ thể. Khi dùng, chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, hàm lượng đường, chất bảo quản … tránh mua loại nước không rõ nguồn gốc ngoài tác hại có thể gây ngộ độc.
Lưu ý khác để phòng sốc nhiệt
Ngoài ra, để phòng tránh sốc nhiệt cần bố trí làm việc vào thời tiết mát mẻ: Những ngày nhiệt độ môi trường tăng cao nên bố trí làm việc vào lúc thời tiết mát mẻ, phân công lao động làm các công việc ít vận động hơn, hạn chế làm việc ngoài trời.
Không làm việc quá sức, không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức độ ẩm cao, tránh các hoạt động thể lực quá sức.
Sau khoảng 45 phút hoặc 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, hãy nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút. Điều này giúp tái tạo năng lượng và tăng hiệu suất làm việc.
Luôn trang bị cho người lao động đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm...
Lựa chọn trang phục phù hợp: Khi làm việc ngoài trời nắng nóng cần mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút mồ hôi và sáng màu.
Tránh tắm ngay sau khi ra nắng: Không nên tắm ngay sau khi đi nắng về, vì đây là lúc cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, thân nhiệt thay đổi đột ngột sẽ nguy hiểm, dễ dẫn đến đột quỵ.
Dấu hiệu mất nước cần phải chăm sóc y tế
Các triệu chứng nhẹ của tình trạng mất nước cần đến ngay cơ sở y tế bao gồm:
- Môi và lưỡi khô
- Đau đầu
- Yếu ớt, chóng mặt hoặc mệt mỏi cực độ
- Nước tiểu ít và sậm màu hơn bình thường
- Buồn nôn....
Hoặc cảm thấy mệt mỏi, bất thường cũng nên đến cơ sở y tế ngay lập tức. Với triệu chứng nghiêm trọng của tình trạng mất nước là: Tiêu chảy nặng hoặc tiêu chảy vừa phải trong 24 giờ trở lên; Phân có máu hoặc phân đen; Xuất hiện mất phương hướng, dễ cáu kỉnh hoặc có mệt mỏi cực độ; Ít đi tiểu; Miệng, da rất khô; Thở nhanh hoặc nhịp tim nhanh; Mắt trũng... sẽ nguy hiểm đến tính mạng cũng cần được cấp cứu ngay.