Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng?

31-05-2024 12:51 | Y tế

SKĐS - Theo bác sĩ, khi cảm thấy mệt mỏi hoặc có dấu hiệu của say nắng cần dừng ngay công việc và nghỉ ngơi. Việc tuân thủ các khuyến cáo sẽ giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt, đảm bảo chất lượng công việc ngay cả trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Một người tử vong do sốc nhiệt

Liên quan đến sự việc một người đi theo ông Thích Minh Tuệ bị sốc nhiệt, tử vong, ngày 31/5, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thi thể của ông L.T.S. (47 tuổi) hiện đang lưu lại nhà xác của bệnh viện do chưa có người thân đến nhận. Lực lượng công an đang tiến hành xác minh nhân thân và triển khai công tác khám nghiệm.

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng?- Ảnh 1.

Ông L.T.S. bị sốc nhiệt được đưa vào cấp cứu tuy nhiên không qua khỏi. Ảnh H.N.

Trước đó, chiều 30/5, ông S. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đến Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy qua nội khí quản...

Tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế), sau khi tiếp nhận, các y, bác sĩ nỗ lực nâng huyết áp và tiến hành làm các xét nghiệm chuyên sâu, tuy nhiên đến khoảng 17h20 cùng ngày, bệnh nhân ngưng tim. Sau 30 phút tiến hành hồi sức tim phổi nhưng không hiệu quả, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiệt, suy đa phủ tạng.

TS.BS Lê Văn Chi, Trưởng khoa Nội Tổng hợp - Nội tiết (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế) cho biết, sốc nhiệt được định nghĩa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao (thường vượt quá 40,5 độ C), kèm rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương khi cơ thể không thể tản nhiệt trong bối cảnh nhiệt độ môi trường tăng cao. Đây là tình trạng có khả năng gây tử vong, do đó cần được xác định và điều trị nhanh chóng.

Có hai loại sốc nhiệt, trong đó sốc nhiệt không do gắng sức thường xảy ra ở người có các bệnh lý mạn tính tiềm ẩn ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt. Trong khi đó, sốc nhiệt do gắng sức thường xảy ra ở những người trẻ tuổi, khỏe mạnh, tập thể dục nặng trong thời gian có nhiệt độ và độ ẩm môi trường cao.

TS.BS Lê Văn Chi cho hay, các yếu tố nguy cơ của sốc nhiệt không do gắng sức bao gồm tuổi tác quá cao, mang thai, béo phì, tình trạng thể chất kém, thiếu thích nghi với khí hậu, thiếu điều hòa không khí và cách ly xã hội. Mất nước là do uống không đủ nước để thay thế lượng chất lỏng bị mất do đổ mồ hôi. Các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, bệnh tim mạch, nghiện rượu nặng và một số loại thuốc và ma túy trái phép.

Bệnh nhân bị sốc nhiệt không do gắng sức thường có biểu hiện nhiệt độ cơ thể tăng cao, vượt quá 40,5 độ C và có liên quan đến rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương trong bối cảnh nhiệt độ môi trường tăng cao, không thể tản nhiệt.

Ngoài nhiệt độ cơ thể tăng cao, các bất thường về dấu hiệu sinh tồn thường gặp trong sốc nhiệt không do gắng sức bao gồm nhịp tim nhanh, thở nhanh, huyết áp tăng và hạ huyết áp.

Bên cạnh đó cũng có một số dấu hiệu khác như đỏ bừng mặt, thở nhanh, do phù phổi và các biểu hiện của rối loạn đông máu... Các biến chứng thường gặp của sốc nhiệt bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp tính, đông máu nội mạch lan tỏa, suy thận cấp, tổn thương gan, hạ đường huyết, tiêu cơ vân và co giật.

TS.BS Lê Văn Chi cho biết, để điều trị các ca bệnh bị sốc nhiệt, cần chẩn đoán sớm, làm mát nhanh, điều chỉnh các bất thường về điện giải và chăm sóc hỗ trợ. Quản lý đường thở, đặt nội khí quản và thở máy là cần thiết cho những bệnh nhân không thể thở hoặc chức năng hô hấp bị suy giảm.

"Bù dịch đầy đủ, làm mát nhanh là yếu tố chính quyết định kết quả điều trị. Những bệnh nhân bị sốc nhiệt có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc bệnh thận mạn tính cao hơn, bị suy giảm chức năng và thần kinh lâu dài", TS.BS Lê Văn Chi nói.

Phòng tránh bị sốc nhiệt

ThS.BS Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, thời gian gần đây, do nắng nóng, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân liên quan đến vấn đề say nóng, say nắng. Trong đó có những trường hợp say nóng, say nắng trực tiếp với những triệu chứng rõ ràng như đau đầu, chóng mặt, tức ngực khó thở, đau nhức tay chân…

Làm gì để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng?- Ảnh 2.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu cho một bệnh nhân bị sốc nhiệt.

Theo ThS.BS Phan Lê Hiếu, có 2 nhóm đối tượng có nguy cơ sốc nhiệt, cụ thể, nhóm cơ địa trẻ em dưới 4 tuổi, người già yếu, phụ nữ có thai, người có các bệnh mạn tính. Nhóm này hệ thống điều hòa thân nhiệt yếu nên khả năng đáp ứng với nhiệt độ cao kém dễ dẫn đến sốc nhiệt

Thứ hai, nhóm lao động trong môi trường nhiệt độ cao như các công nhân làm việc ngoài trời, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Các nhân viên y tế, cứu hộ làm việc trong môi trường nhiệt đới hoặc trong những tình huống khẩn cấp như cứu hộ sau thiên tai. Vận động viên, huấn luyện viên thể dục thể thao, đặc biệt trong môi trường nhiệt độ cao và độ ẩm cao...

Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Huế) cho hay, nếu xác định nạn nhân bị say nắng, cần tiến hành sơ cứu ngay lập tức, đồng thời gọi xe cứu thương, việc sơ cứu đúng cách và kịp thời cho bệnh nhân bị say nắng vô cùng quan trọng và giảm thiểu các tổn thương có thể gây ra.

ThS.BS Phan Lê Hiếu khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe và chất lượng lao động dưới tiết trời nắng nóng, mọi người nếu có thể, hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h  khi ánh nắng mạnh nhất.

Mặc trang phục phù hợp, thoáng mát và có màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt. Đội mũ, nón rộng vành và đeo kính để bảo vệ mắt. Giữ mát cơ thể, tắm mát thường xuyên và sử dụng quạt hoặc điều hòa để giảm nhiệt độ trong nhà. Nếu phải làm việc ngoài trời, hãy nghỉ ngơi thường xuyên. Ngủ đủ giấc, đảm bảo giấc ngủ đủ và sâu để cơ thể phục hồi năng lượng.

ThS.BS Phan Lê Hiếu cho rằng, chế độ ăn uống cần được chú trọng. Hàng ngày, nên uống ít nhất 2-3 lít nước. Tránh các loại nước có cồn và cà phê gây mất nước. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng và chống lại cái nóng. 

Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ tránh các loại thức ăn chiên rán. Chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh cảm giác đầy bụng và khó chịu.

"Nếu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc có dấu hiệu của say nắng, hãy dừng ngay công việc và tìm nơi mát mẻ nghỉ ngơi, uống nước. Tập thể dục nhẹ nhàng, nên tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối khi nhiệt độ giảm. Các hoạt động như đi bộ, yoga, bơi lội đều rất tốt để duy trì sức khỏe. 

Việc tuân thủ các biện pháp trên sẽ giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt và đảm bảo chất lượng công việc ngay cả trong điều kiện thời tiết nắng nóng", ThS.BS Phan Lê Hiếu nhấn mạnh.

Một người đi theo ông Thích Minh Tuệ bị sốc nhiệt, tử vongMột người đi theo ông Thích Minh Tuệ bị sốc nhiệt, tử vong

SKĐS - Sau khi được đưa vào bệnh viện, dù các y, bác sĩ nỗ lực cấp cứu tuy nhiên bệnh nhân L.T.S - người đi theo đoàn ông Thích Minh Tuệ đã không qua khỏi.

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 31/5.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn