Phát hiện sớm và điều trị kịp thời, cơ hội sống trên 5 năm rất cao
Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng xuất hiện ở độ tuổi mãn kinh nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn. Các triệu chứng ung thư buồng trứng không đặc hiệu, hầu hết người bệnh đến gặp bác sĩ với các triệu chứng trong 6 hoặc 9 tháng trước khi được chẩn đoán.
Ung thư buồng trứng nếu được điều trị kịp thời, cơ hội sống trên 5 năm có thể lên đến 95%. Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tiền sử bệnh tật,...
Việc phát hiện sớm bệnh ung thư buồng trứng cũng giúp ích rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, khối u đã di căn xa sẽ làm giảm hiệu quả điều trị đối với người bệnh.
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng
Các triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng bao gồm:
- Đầy hơi
- Đau bụng, lưng hoặc vùng chậu
- Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau khi quan hệ tình dục.
Điều trị ung thư buồng trứng
- Phẫu thuật: Là phương pháp được lưa chọn hàng đầu để điều trị ung thư buồng trứng, đặc biệt là ung thư buồng trứng giai đoạn sớm. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, lượng tế bào ung thư còn sót lại có thể được điều trị bằng hóa trị hay xạ trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ phải cắt buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, cắt mạc nối, và các hạch ở ổ bụng. Nhưng nếu bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các bộ phận chưa bị tế bào ung thư xâm lấn. Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc mổ nội soi.
- Hóa trị liệu: Là dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lay lan mà các bác sĩ chưa thể cắt bỏ hết được, hóa trị liệu sẽ giúp tiêu diệt phần còn sót lại đó. Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư được tiêm vào tĩnh mạch. Một số khác tồn tại dưới dạng viên nén để uống. Hóa trị liệu có thể thực hiện bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào ổ bụng qua một ống thông. Hóa trị tác động đến cả tế bào gây bệnh lẫn các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ phụ thuộc nhiều vào loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng. Khi điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây nên cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, ỉa chảy, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, xạm da và móng.
- Xạ trị: Là dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ một máy bên ngoài cơ thể hoặc dung dịch phóng xạ được đưa vào ổ bụng bệnh nhân. Tia xạ có thể ảnh hưởng đến cả tế bào ung thư và tế bào bình thường. Phương pháp này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như: chán ăn, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tiêu chảy,... Tác dụng phụ thường phụ thuộc vào liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ.
Ngoài ra còn có một số phương pháp như điều trị đích, miễn dịch .... để kiểm soát ung thư buồng trúng.
Khi nào cần đi khám?
Do ung thư buồng trứng không có triệu chứng đặc hiệu nên chị em lưu ý đi tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt lưu ý khám ngay khi có dấu hiệu của ung thư buồng trứng: Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân; Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt; Cảm giác khó chịu, đau ở vùng bụng dưới; Đau khi quan hệ tình dục…
Nếu có nguy cơ di truyền mắc bệnh ung thư buồng trứng như: Tiền sử gia đình hoặc xét nghiệm BRCA dương tính (nhằm kiểm tra các đột biến gene có hại liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng) cần đi đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.