6 nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng

25-11-2023 06:50 | Ung thư
google news

SKĐS - Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung.

Có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng sau khi cắt bỏ tử cung không?Có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng sau khi cắt bỏ tử cung không?

SKĐS - Một số người cho rằng không có nguy cơ bị ung thư buồng trứng sau phẫu thuật cắt tử cung. Điều này có đúng không?

Nó cũng được xem là "kẻ giết người thầm lặng" đối với phụ nữ vì các triệu chứng thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Các thể ung thư buồng trứng

Chức năng của buồng trứng là sản xuất ra trứng tham gia vào quá trình thụ tinh và sản xuất ra nội tiết tố nữ gồm estrogen và progesterone. Hai loại nội tiết tố do buồng trứng tiết ra có tác động đến quá trình phát triển cơ thể người phụ nữ và liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai.

Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Các tế bào ung thư là các tế bào bất thường chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.

Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung.

Ung thư buồng trứng phổ biến thứ 3 trong các bệnh ung thư ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư tử cung.

Các thể ung thư buồng trứng bao gồm:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng là các tế bào ung thư phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng, đây là loại hay gặp nhất.
  • Ung thư tế bào mầm là ung thư xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng, loại này ít gặp hơn ung thư biểu mô.
  • Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng. Loại này cũng ít gặp.

Đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng

  • Thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư buồng trứng. Bởi vì nhiều lý do như: sự tăng trưởng dư thừa của mô mỡ trong cơ thể, rối loạn hormone, khả năng kháng viêm giảm, sự ảnh hưởng của insulin… 

Béo phì và thừa cân cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng bệnh và khả năng sống của người bị ung thư buồng trứng.

Những phụ nữ bị béo phì dễ mắc bệnh ung thư buồng trứng, đặc biệt ở những người chưa bao giờ sử dụng liệu pháp thay thế hormone trong thời kỳ mãn kinh. Ở những đối tượng này, nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 83% so với những người có trọng lượng trung bình.

  • Vệ sinh vùng kín sai cách

Khi nhắc tới thói quen vệ sinh vùng kín dễ gây bệnh phụ khoa, ung thư buồng trứng, chắc chắn các chị em sẽ nghĩ tới vệ sinh kém. Mặt khác, nếu vệ sinh quá mức cũng có thể khiến bạn tự rước bệnh ung thư buồng trứng vào người.

Việc giữ cho vùng kín sạch là rất quan trọng nhưng sạch quá mức thì vừa không cần thiết mà còn gây bệnh. Bởi vùng kín sạch quá làm mất cân bằng môi trường âm đạo, tăng căng thẳng oxy hóa trong khoang chậu, gây tổn thương và viêm nhiễm, cuối cùng làm tăng nguy cơ hình thành các bệnh ung thư phụ khoa. Trong đó phổ biến nhất là ung thư tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên rửa vùng kín 1 - 2 lần mỗi ngày, ưu tiên sau khi ngủ dậy ban đêm và/hoặc sau một ngày dài trước khi ngủ. Chỉ cần rửa nhẹ nhàng bên ngoài với nước sạch hoặc nước ấm nhẹ là đủ. Hoặc có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh dịu nhẹ nhưng đừng quá thường xuyên.

Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc chưa bao giờ mang thai đủ tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Ảnh minh hoạ

Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc chưa bao giờ mang thai đủ tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Ảnh minh hoạ

  • Tiền sử gia đình mắc ung thư

Ung thư buồng trứng có thể di truyền trong gia đình. Nguy cơ ung thư buồng trứng của người phụ nữ tăng lên nếu mẹ, chị em gái hoặc con gái của bạn bị ung thư buồng trứng. Nguy cơ cũng cao hơn khi bạn có nhiều người thân bị ung thư buồng trứng.

Tiền sử gia đình mắc một số loại ung thư khác như ung thư đại trực tràng và ung thư vú có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Điều này là do những bệnh ung thư này có thể do đột biến di truyền ở một số gen gây ra hội chứng ung thư gia đình làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

  • Sinh con muộn, dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn

Phụ nữ mang thai lần đầu sau 35 tuổi hoặc chưa bao giờ mang thai đủ tháng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Những phụ nữ đã mang thai và sinh đủ tháng trước 26 tuổi có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những phụ nữ không mang thai. Nguy cơ giảm xuống với mỗi lần mang thai đủ tháng. Cho con bú có thể làm giảm nguy cơ hơn nữa.

Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone. Nhóm phụ nữ này cũng có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh ung thư khác liên quan tới hormone như ung thư vú, ung thư tử cung…

  • Từng mắc một số bệnh ung thư, bị rối loạn di truyền

Ngoài tiền sử gia đình có người mắc ung thư, nếu bản thân bị một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư ruột kết hoặc nội mạc tử cung thì phụ nữ cũng dễ mắc ung thư buồng trứng hơn. Trong đó, người từng mắc ung thư vú hoặc tiền sử gia đình ung thư vú cũng có nguy cơ cao nhất.

Phụ nữ có các rối loạn di truyền như Hội chứng Lynch và hội chứng Peutz - Jeghers dễ bị mắc ung thư vú hơn. Hội chứng Lynch được đặc trưng bởi một nguy cơ cao về ung thư đường tiêu hóa, đường tiết nước bọt và các cơ quan khác. 

Hội chứng Peutz-Jeghers cho thấy tăng nguy cơ phát triển polyps trong đường tiêu hóa và một số loại ung thư, bao gồm vú, ruột kết, trực tràng, tụy, dạ dày, tinh hoàn, buồng trứng, phổi và cổ tử cung.

  • Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không lành mạnh

Chế độ ăn quá nhiều chất béo, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chiên rán, thực phẩm siêu chế biến được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Thực phẩm siêu chế biến bao gồm súp đóng gói, nước sốt, bánh pizza đông lạnh, các bữa ăn sẵn, cũng như xúc xích, khoai tây chiên, nước ngọt, bánh quy, bánh ngọt, kẹo, bánh rán, kem…

Ngoài ra, thức khuya trong thời gian dài, tâm trạng tiêu cực, căng thẳng kéo dài, thường xuyên ăn các thực phẩm chứa hormone hoặc có thể tác động tới hormone cũng được các nghiên cứu chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Xem thêm video được quan tâm:

Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp cột sống | SKĐS


BSNT Nguyễn Xuân Tuấn
Giảng viên Trường ĐH Y dược – ĐH Quốc gia Hà Nội
Ý kiến của bạn