Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là dấu hiệu bất thường xảy ra ở đường tiêu hóa về cấu trúc hoặc hoạt động. Có 2 loại rối loạn tiêu hóa:
- Bệnh lý tiêu hóa thực thể: Xảy ra khi hệ tiêu hóa có những biểu hiện bất thường về cấu trúc dẫn đến các hoạt động cũng bị ảnh hưởng.
- Rối loạn tiêu hóa chức năng: Xảy ra khi hệ tiêu hóa hoạt động bất thường nhưng không nằm trong bệnh lý tiêu hóa thực thể.
Khi bị rối loạn tiêu hóa, quá trình phá vỡ và biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng vào ruột non đến máu sẽ bị tắc nghẽn hoặc hoạt động không bình thường. Từ đó, dẫn đến việc các cơ quan trong hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng.
Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân trong đó thường gặp các nhóm nguyên nhân sau:
- Nhóm nguyên nhân từ chế độ ăn uống
Rối loạn tiêu hóa thường gặp do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, các thực phẩm bao gồm đồ uống và thức ăn không đảm bảo vệ sinh, tác động lên hệ vi sinh đường ruột đều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa.
Chế độ ăn thất thường, không cân bằng các nhóm chất đều có thể gây ra rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt đối với những người ăn ít chất xơ, vitamin và khoáng chất, uống ít nước thì khả năng rối loạn cao hơn.
Nếu sử dụng nhiều đồ uống có cồn như bia, rượu sẽ làm mất cân bằng độ pH trong dạ dày, bào mòn và rửa trôi hệ men vi sinh gây ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn.
- Nhóm do một số bệnh lý
Rối loạn tiêu hóa có thể do một số bệnh lý liên quan, cụ thể: Viêm đại tràng, các bệnh lý liên quan đến dạ dày… Viêm đại tràng do khuẩn lỵ amip, shigella.., gây tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản… đều có thể là nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột do sử dụng kháng sinh điều trị bệnh cũng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Bởi hệ vi sinh đường ruột có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, lên men đường ruột.
Các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có nhiều triệu chứng khác nhau, cấp độ khác nhau và đồng thời có thể xảy ra ở một hoặc một vài bộ phận cùng lúc với nhau trong hệ tiêu hóa. Một số biểu hiện của rối loạn tiêu hóa thường thấy là:
- Xuất hiện tình trạng chướng bụng, người bệnh thấy bụng căng cứng, khó chịu, nhất là sau khi ăn. Tình trạng đau bụng âm ỉ có thể xuất hiện.
- Đường tiêu hóa bị kích thích mạnh người bệnh có thể dẫn đến buồn nôn hoặc nôn ói ngay. Hoặc xuất hiện tình trạng ợ hơi, ợ nóng liên tục, đặc biệt sau khi ăn và kéo dài vài giờ liền.
- Ở một số trường hợp đại tiện khó khăn, bất thường xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón, đi đại tiện nhiều lần trong ngày.
- Ngoài ra người bệnh có thể có biểu hiện chán ăn, không thấy ngon miệng, đau lưng, đau ngực, tăng/giảm cân thất thường, nấc cụt, khó nuốt.
Bị rối loạn tiêu hóa bao lâu thì khỏi, cần xử trí như thế nào?
Thông thường các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường kéo dài từ 3 ngày – 1 tuần hoặc có thể kéo dài hơn. Nếu thấy các triệu chứng kéo dài, không thuyên giảm thì nên đến bệnh viện để thăm khám và không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Còn đối với các trường hợp có biểu hiện nhẹ có thể xử trí bằng cách nghỉ ngơi và thiết lập chế độ ăn uống giàu chất xơ, vitamin, uống đủ nước, thường xuyên vận động. Hạn chế việc ăn thức ăn, gia vị cay, chua hoặc các chất kích thích để môi trường dạ dày, ruột được chữa lành và hoạt động trở lại bình thường.
Một số loại thực phẩm mà người bị rối loại chức năng tiêu hóa nên kiêng ăn bao gồm: Mì tôm, bánh mì; Nước dừa; Thực phẩm tươi sống; Thực phẩm chứa nhiều acid; Hoa quả sấy khô
Người bệnh nên ăn các thực phẩm sau để để cải thiện tình trạng bệnh, bao gồm: Chuối chín, trái bơ, trái dứa, trái táo, đu đủ chín; Gừng, khoai lang; Sữa chua; Hạt chia; và các loại rau xanh. Ngoài ra, có thể bổ sung men tiêu hóa để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Khi có biểu hiện tiêu chảy do mất nước, sốt cao, mất máu, đau dữ dội… hoặc tình trạng không đỡ thì nên tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa bệnh rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là bệnh lý thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, để tránh tình trạng trên cần thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cụ thể.
- Cần ăn chín, uống sôi, hạn chế thực phẩm có khả năng kích thích cao như chua, cay, cồn, dầu mỡ nhiều.
- Cần uống nước đầy đủ, nếu là người hay bị táo bón, bổ sung chất xơ ở rau xanh và trái cây nhiều hơn để hỗ trợ tiêu hóa tốt nhất.
- Cần có thói quen đi vệ sinh khoa học. Đặc biệt nên đi đại tiện hàng ngày, vào buổi sáng.
- Cần vệ sinh nơi chế biến thức ăn, rửa tay thường xuyên đúng cách nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Cần sử dụng nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, ôi, thiu, mốc…