Tham dự lễ phát động có GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; đại diện các Bộ, cơ quan Trung ương; các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế; các tổ chức quốc tế; Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật 09 tỉnh miền núi phía Bắc, đại diện các cơ quan, ban ngành của tỉnh Hòa Bình; các cơ quan báo chí, truyền thông trung ương và tỉnh Hòa Bình.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Làm mẹ an toàn (LMAT) là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của LMAT là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Chính vì vậy, các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 trong khuôn khổ Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mục tiêu Chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Nỗ lực giảm tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong 20 năm qua (từ giai đoạn 2000-2001 đến 2021-2022). Trong đó, tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰).
Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á - về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế 51 tỉnh/TP chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh tổ chức Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 tại các địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế với mong muốn: "Tất cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, các cán bộ y tế, và mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình, mọi người hãy quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em; hãy tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam".
Bà Nguyễn Thị Liên - Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngọc Sơn chia sẻ kinh nghiệm của một xã vùng cao nhưng có đến 100% phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén. Trạm y tế thúc đẩy tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình thực hiện các biện pháp làm mẹ an toàn, như đi khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sau sinh, áp dụng các phương pháp kế hoạch hóa gia đình an toàn và hiệu quả… Tổ chức các buổi tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho phụ nữ mang thai và sau sinh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, tổ chức các cuộc thi, trò chơi, giao lưu văn nghệ với chủ đề làm mẹ an toàn, nhằm nâng cao nhận thức và tạo không khí vui tươi, thoải mái cho phụ nữ và gia đình. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên y tế xã về các vấn đề liên quan đến làm mẹ an toàn, như, tạo nhóm Zalo các bà mẹ có thai và bà mẹ có con trong 1000 ngày đầu đời.
Theo Bộ Y tế, trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về Làm mẹ an toàn. 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về LMAT. Vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về Làm mẹ an toàn.
Để nâng cao hiệu quả về LMAT, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho cả bà mẹ và trẻ em không phải chỉ có ngành Y tế mà còn cần sự phối hợp thực hiện của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, sự thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới mục tiêu không một bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ngoạn mục cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung | SKĐS