Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 có chủ đề là "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé"sẽ diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, sự kiện Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn sẽ diễn ra vào sáng ngày 30/9/2023 tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Sự kiện do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức.
Mục tiêu Chương trình là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cho biết: Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, tức là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi thì có 12 trẻ tử vong. Với trẻ dưới 1 tuổi, tỉ lệ này ở mức 12,1 phần nghìn, tức là cứ 1.000 trẻ dưới 1 tuổi thì có khoảng 12 trẻ tử vong. Điều đáng nói, trong số trẻ dưới 1 tuổi tử vong, cứ 100 trẻ thì có tới 70-80 trẻ sơ sinh; với trẻ dưới 5 tuổi, tỉ lệ này là 50-60 trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao so với một số nước cùng mức thu nhập như Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8%. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức từ 1% đến 2%.
Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp hai lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh (tương ứng với 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).Đây chính là thách thức trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra, đó là thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức ở các tuyến y tế, nhất là các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, nhiều cơ sở y tế ở tuyến huyện, tuyến xã, các bác sĩ đa khoa sẽ kiêm công tác chăm sóc sản khoa và nhi khoa.
Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất quá tải, chưa đảm bảo điều kiện vô khuẩn, trang thiết bị thiếu thốn, năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh như sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, tiên lượng và xử trí còn hạn chế …
Để giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong, lãnh đạo Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em cho biết, ngành y tế đang tích cực triển khai nhiều giải pháp can thiệp. Đó là chăm sóc bà mẹ trước khi sinh (như theo dõi quản lý thai, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần…); áp dụng biện pháp kangaroo với trẻ nhẹ cân, non tháng, giúp phần lớn trẻ đẻ non, nhẹ cân tăng sức đề kháng; tăng cường chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trong và sau khi sinh thường và sau mổ đẻ; cho trẻ bú mẹ ngay giờ đầu sau sinh và kéo dài ít nhất 24 tháng; giáo dục dinh dưỡng, tập huấn đào tạo, chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu sau sinh….
Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7/10/2023, tại 51 tỉnh. Mục tiêu của tuần lễ "Làm mẹ an toàn" là các trạm y tế xã cung cấp thông tin về "Làm mẹ an toàn" và "Nuôi con bằng sữa mẹ" cho: 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.
Nâng cao kiến thức về làm mẹ an toàn
Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên - Phó Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CDC tỉnh Tuyên Quang) - cho biết: Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc người dân tiếp cận dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn, vẫn tồn tại những tập tục cổ hủ, lạc hậu như đẻ tại nhà, đẻ trên rẫy, chỉ đến cơ sở y tế khi bệnh tình đã quá nặng.
Cô đỡ thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế, nhưng nay nhiều người không hoạt động, do kinh tế gia đình khó khăn, trong khi phụ cấp cho cô đỡ thôn bản còn thấp. Trong khi đó, bà con dân tộc HMông có phong tục tập quán riêng nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận, nhất là khi họ sinh nở.
Hiện, tỷ lệ sinh tại nhà của Tuyên Quang là 0.36 %, chủ yếu ở bà con dân tộc H'Mông. Năm 2023 có 1 ca chết mẹ, chết trẻ em dưới 5 tuổi cũng ở nhóm dân tộc này.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, CDC tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức truyền thông và giám sát hỗ trợ về chuyên môn cho các trạm y tế về tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn, nuôi con bằng sữa mẹ, vận động phụ nữ đến cơ sở y tế sinh con; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ …
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của chương trình làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khoẻ về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...
Để cải thiện tình hình sức khỏe người dân tộc thiểu số theo định hướng của Nghị quyết 21 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ -TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030. Giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu Sống Liên Tiếp 2 Sản Phụ Bị Tiền Sản Giật, Sản Giật Nguy Kịch Tính Mạng | SKĐS