Clip cô giáo dạy nhạc của Trường THCS Văn Phú huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) bị đám học sinh "vắt mũi chưa sạch" ném dép, giật điện thoại rồi nhiều clip học sinh đánh nhau như quân thù tạo nên sự bức xúc trong xã hội.
Nó phá vỡ tất cả những mỹ từ mà bao đời nay xã hội dành cho những con người làm nghề "trồng người". Bất kỳ ai xem những clip này cũng đều có những dòng comment tức giận đến tột cùng cho sự suy thoái đạo đức của những "măng non" đất nước đang ngồi trên ghế nhà trường. Chúng tôi, những người làm giáo dục chỉ biết lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt. Những giọt nước mắt không chỉ thương cho cô giáo bồng bột kia mà là khóc cho chính cái ngành mà mình đã gần cả một đời cống hiến.
Nguyên nhân nào mà những "chồi măng lỗi" mọc ngày càng nhiều lên chắc chắn ai cũng rõ. Một khi công cụ giáo dục của người giáo viên bị rút đi đến nỗi phê bình một học sinh vi phạm cũng không dám thì cái xấu tất sẽ lên ngôi.
Chẳng có "liều thuốc" nào đủ nặng ngoài Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT để "uốn" những "chồi măng hư" đi vào quỹ đạo thì sự lây lan ắt càng nhiều. Xem những clip học sinh "tung chưởng" không một chút nương tay đối với bạn mình, ta không nghi ngờ được cái ác, cái máu lạnh đã ẩn nấp đâu đó trong những con người mặt búng ra sữa này.
Thế nhưng khi họp hội đồng kỉ luật, những hình thức như nhắc nhở, khiển trách hay quá lắm là cảnh cáo chỉ là "gãi ngứa" đối với những đứa mà phần "con" đang phát triển lấn át cả phần "người". Những người giáo viên đơn thương độc mã ngày càng nhụt chí khi lỡ lời chẳng ai bênh nên đám trò hư ngày càng được dịp. Họ lên lớp trong trạng thái lo sợ khi mà học sinh giờ đứa nào chẳng thủ sẵn trong mình chiếc smartphone. Sơ hở là họ bị ném đá tơi bời ai mà không sợ.
Căn bệnh thành tích trầm kha đã ăn sâu vào giáo dục nên lãnh đạo nhiều trường chẳng dại gì mà phơi bày cái xấu của mình lên cho thiên hạ biết mà mất thưởng nên cứ ém nhẹm đi. Vì vậy mà bạo lực học đường cứ như tế bào ung thư từng ngày âm thầm lây lan và phát triển nhanh với kích thước ngày một lớn hơn.
Một lý do căn nguyên nữa là "nhà dột từ nóc". Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố quan trọng trong giáo dục đạo đức cho học sinh nhưng nhiều gia đình giờ chỉ biết phó thác cho giáo dục. Cha mẹ mải lo bươn chải phương xa gửi lại con cho ông bà nên nhiều trẻ em lớn lên như cây lau, cây sậy hoang dã giữa một xã hội nhan nhản những cảnh bạo lực.
Khi được hỏi đến ai cũng có câu trả lời "cháu nó ở nhà ngoan lắm". Thói hư tật xấu từ đó mà ra cả.
Anh bạn đồng nghiệp bức xúc vì một học sinh hư mà mời phụ huynh để trao đổi. Trong câu chuyện anh phụ huynh vừa nói vừa văng tục liên tục nơi của miệng thì thầy cô có ba đầu sáu tay cũng không thể giáo dục con anh nên người.
Cá biệt, có phụ huynh còn xông tới trường hành hung thầy cô giáo đến mức phải nhập viện. Nhiều phụ huynh tỏ vẻ khó chịu khi thầy cô gọi điện nhắc nhở con mình kiểu như nó ở nhà không nấu ăn, giặt giũ, quét dọn tôi có gọi thầy đâu sao nó không học bài, không làm bài tập thầy gọi tôi miết vậy. Kênh phối hợp này ngày càng mất hiệu quả. Những clip mà chúng ta xem được chắc chỉ là phần nhỏ nhờ một số học sinh "dũng cảm" đưa lên mạng vì nếu phát tán sẽ bị xử lý. Cái ác cứ được che giấu và bạo lực học đường cứ mãi tiếp diễn.
"Liều thuốc" nào đủ mạnh để điều trị "căn bệnh" bạo lực học đường chắc không phải chỉ có mỗi mình ngành giáo dục kê đơn mà cần lắm sự chung tay của toàn xã hội. Hãy trả lại môi trường trong lành cho trường học, trả lại bình an cho những người cầm phấn và đừng biến nó thành sàn đấu của các môn võ thuật tổng hợp.