Sau khi đọc loạt bài của Báo Sức khoẻ&Đời sống về vụ việc bác sĩ ở BV Đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân đánh đập chảy máu, nhiều độc giả bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động côn đồ của người nhà bệnh nhân.
Đáng nói là trước đó cũng đã có rất nhiều trường hợp hành hung bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ cứu người diễn ra tại nhiều bệnh viện như BV Bạch Mai, BV Việt Tiệp Hải Phòng...
Đánh bác sĩ khi đang cứu người
Bạn đọc H.N bày tỏ: “Bác sĩ cứu người mà bị hành hung. Làm việc vì cộng đồng như "làm dâu trăm họ". Người hiểu thì không sao, người không hiểu thì lại "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay". Thật là thiếu suy nghĩ quá!”.
“Đánh người dù đó là ai cũng khó chấp nhận huống hồ người đó đang làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người”- một người bình luận.
Còn bạn Viet John thì không khỏi chua chát bình luận: “Làm sao để vừa giỏi Y vừa giỏi võ, như thế may ra mới sống được ở thời này”.
Bác sĩ bị hành hung tại BV Đa khoa Thạch Thất.
Cần một môi trường an toàn để làm việc
Trong thời gian qua xảy ra không ít vụ việc hành hung nhân viên y tế nhưng những trường hợp bị pháp luật xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho đến nay vẫn chưa có một công cụ nào thực sự hiệu quả để bảo vệ người thầy thuốc. Chính vì vậy, nhiều bác sĩ không khỏi lo lắng bày tỏ rằng họ vừa chữa bệnh cứu người nhưng lại nơm nớp lo sợ một ngày nào đó chính mình cũng trở thành nạn nhân của thói côn đồ, hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện.
Kẻ đánh người cần phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, bạn đọc Binh Ngoc Dinh nhấn mạnh: “Pháp luật sẽ trừng trị những người vô nhân tính gây ra hậu quả nghiêm trọng với tính mạng của bác sĩ”.
"Hãy bảo vệ nhân viên y tế, nghiêm trị những hành động côn đồ. Cần có những hình phạt thích đáng cho hành động của đối tượng vô nhân tính này... Mấy người hành hung bác sĩ phải phạt thật nặng! Phải bảo vệ nhân viên y tế, đâu phải thích thì chửi thích thì đánh!”- một bạn đọc nói.
"Cần quy kết tội danh thật nặng cho kẻ bạo hành nhân viên y tế. Trước đây đã có 1 bác sĩ ở Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm chết ngay trong lúc đang khám chữa cho bệnh nhân. Xót xa và bơ vơ quá"- Bạn đọc Ha Thu nhớ lại. "Còn bao nhiêu bệnh nhân khác cần bác sĩ. Cả kíp trực có khi chỉ có 2-3 bác sĩ chính. Nếu bác sĩ bị hành hung, những bệnh nhân cấp cứu khác biết lấy ai xử trí y lệnh đây?. Có kẻ còn đang tâm đập phá máy móc, có khi đập nát cả máy thở loại đặc biệt cho bệnh nhi, có những thiết bị quý, đắt đỏ hiếm lắm đâu dễ mua được.... ức lắm!"
Từ thực tế những vụ hành hung nhân viên y tế trong thời gian gần đây, và dường như có xu hướng ngày một gia tăng, một bác sĩ cấp cứu tỏ ra lo ngại và chia sẻ rằng: "Những người làm nghề y, họ chỉ cần có môi trường an toàn để mà làm việc. Bao giờ nhân viên y tế được bảo vệ một cách chính đáng?".
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện.
Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%).
Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh….
Điển hình là một số vụ việc: Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xảy ra vụ bệnh nhân HIV cầm dao đe dọa tấn công nhân viên y tế. Bệnh nhân dùng dao đe dọa, khóa trái cửa phòng, lột bỏ quần áo và không cho ai vào. Bệnh viện đã phải phối hợp với công án đóng giả bác sĩ thuyết phục bệnh nhân. Phía cửa khác, công an đã phá cửa ập vào, khống chế đối tượng.
Sự việc đau lòng khác phải kể đến là tháng 8/2011, tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (Thái Bình), người nhà bệnh nhân đã lao vào đâm chết 1 bác sĩ và làm bị thương nặng một bác sĩ khác chỉ vì cho rằng các bác sĩ chậm chễ cấp cứu người nhà của họ…