TS.BS Võ Xuân Sơn- là người khởi xướng và thành lập website chống bạo hành y tế đã trả lời phỏng vấn báo Sức khỏe và đời sống về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, vừa qua lại xảy ra vụ bạo hành nhân viên y tế ở Bệnh viện Nhi Trung ương, với tư cách là người lập trang website (chongbaohanhyte.com) và trang facebook kêu gọi chống bạo hành y tế, bác sĩ có suy nghĩ gì về sự việc trên?
TS.BS Võ Xuân Sơn : Tôi đã từng là giám đốc một bệnh viện. Có một ông nhà ở đối diện bệnh viện, gắn bùa chú gì đó để “ểm” bệnh viện. Gần như tháng nào ông cũng sang bệnh viện khám 1 hoặc 2 lần, và lần nào ông cũng gây gổ, cho dù tất cả nhân viên không làm bất cứ điều gì sai trái với ông hay với bệnh nhân nào khác. Tôi nhận thấy, việc gây gổ với chúng tôi có vẻ như sở thích của ông ấy.
TS.BS Võ Xuân Sơn.
Đối với sự việc lần này ở bệnh viện nhi, tôi nghĩ rằng việc hành hung nhân viên y tế đã xảy ra quá nhiều. Cứ mỗi lần báo chí thông tin về việc đó thì nhiều người lại ào lên bênh vực cho những kẻ bạo hành. Các cơ quan công quyền gần như không quan tâm đến chuyện này, mặc kệ nhân viên y tế và cơ sở y tế trân mình ra chịu đựng. Cách hành xử như vậy của các cơ quan chức năng gián tiếp khuyến khích bạo hành y tế phát triển, và những kẻ côn đồ luôn sẵn sàng hành hung nhân viên y tế, như là một trò vui của chúng, hoặc là một cách để nhân viên y tế phải quan tâm, chú ý đến thân nhân của chúng nhiều hơn sự cần thiết.
Phóng viên: Được biết website của ông đã hoạt động được gần 1 năm, trong năm qua ông có nhận được nhiều thông tin về những vụ việc tương tự hay không, việc đấu tranh chống bạo hành y tế hiện nay như thế nào, ông có nhận được nhiều sự ủng hộ?
TS.BS Võ Xuân Sơn : Tôi thường xuyên nhận được những thông tin về bạo hành y tế từ nhiều nguồn, từ các bạn bè trên facebook, từ một số nhân viên y tế, một số nhà báo, và thỉnh thoảng cả từ một số cán bộ quản lí y tế. Ngoài những thông tin phản ánh các vụ việc bạo hành y tế, tôi còn nhận được nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân và cách phòng, tránh bạo hành y tế. Tuy nhiên, ngoài một vài cán bộ quản lí y tế, tôi chưa nhận được bất cứ ý kiến ủng hộ cho việc chống bạo hành y tế nào từ các cán bộ hay các cơ quan chức năng có liên quan.
Hiện nay, nhận thức về việc chống bạo hành y tế trong xã hội chúng ta rất sai lệch. Nhóm côn đồ trên mạng sẵn sàng tìm mọi cách minh chứng cho việc bạo hành y tế là đúng, là cần thiết. Nhiều người dân có những kinh nghiệm không tốt với y tế thì nhầm lẫn giữa việc chống bạo hành y tế với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế, họ chỉ nghĩ đơn giản, rằng bệnh nhân bức xúc dẫn đến bạo hành, mà không nghĩ rằng rất nhiều các trường hợp bạo hành y tế không xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí, không phải sai sót của ngành y.
Nguy hiểm nhất là sự im lặng của phần đông người dân. Đây là tình hình chung liên quan đến nhận thức về trách nhiệm xã hội của đa số người dân trong xã hội ta. Khi chưa có tiếng nói của các cơ quan chức năng, gần như đa số người dân chưa dám ý kiến, chưa dám thể hiện sự ủng hộ hay chống đối. Trong khi đó, bạo hành y tế không mang lại lợi ích kinh tế cho bất cứ nhóm lợi ích nào, cũng không đe doạ đến an ninh, tính mạng và nhân phẩm của nhân viên y tế chưa phải là mối bận tâm của các cán bộ lãnh đạo, thì chẳng ai dám mạo hiểm để đứng ra bênh vực cho nhân viên y tế cả.
Phóng viên: Sau rất nhiều cảnh báo của truyền thông về nạn bạo hành y tế, nhưng dường như tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Có phải là chúng ta chưa có một biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn những hành động này?
TS.BS Võ Xuân Sơn : Không phải là chưa chấm dứt mà là chưa giảm nhẹ. Tại một vài bệnh viện lớn ở Hà Nội, khi bạo hành y tế xảy ra, do có sự phối hợp của công an nên thủ phạm ít nhất cũng bị mời về công an làm việc, nhân viên y tế cảm thấy có người quan tâm đến mình. Còn ở các địa phương khác, ngay cả TPHCM, tình hình không được như vậy. Điển hình là vụ việc ở Bệnh viện Thủ Đức ngày 19-04-2016 vừa qua, khi một anh công an vào bệnh viện giơ thẻ công an, yêu cầu các bác sĩ không được khám chữa bệnh cho bệnh nhân giường bên cạnh mà phải tập trung khám chữa bệnh cho chị mình, dù chị ấy đã được cấp cứu, chỉ còn chờ kết quả. Anh công an và người nhà của bệnh nhân mà anh không cho các bác sĩ cấp cứu xô xát với nhau. Nhưng câu chuyện được biến thành nhân viên y tế cấu kết với côn đồ ngoài bệnh viện chém anh công an kia. Đây là một vụ bạo hành vừa mang tính cá nhân, vừa mang dáng dấp của lợi dụng chức vụ quyền hạn để bạo hành.
Không phải là chúng ta chưa có biện pháp đủ mạnh, mà là chưa có biện pháp nào khả dĩ được gọi là biện pháp cả. Kẻ bạo hành cứ bạo hành. Nhân viên y tế cứ trân mình ra chịu. Trang chống bạo hành y tế cứ việc viết, người vào trang chửi bới nhân viên y tế cứ việc chửi, các cơ quan chức năng thờ ơ cứ việc thờ ơ… Không có gì thay đổi cả.
Hầu hết các ý kiến phân tích nguyên nhân của nạn bạo hành y tế đều qui về một mối: đạo đức xã hội xuống cấp. Và đáng buồn thay, nguyên nhân của việc đạo đức xã hội xuống cấp nằm ngay trong cách vận hành xã hội của chúng ta. Nhưng để đi sâu vào việc đấy, chưa biết khi nào thì những người phụ trách trang chống bạo hành y tế sẽ được ghép vào tội phản động.
Phóng viên: Theo ông khi chưa có công cụ đủ mạnh để bảo vệ bác sĩ, cần phải có biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn bạo hành y tế?
TS.BS Võ Xuân Sơn : Tất cả các phân tích đều cho thấy phải có biện pháp mạnh với những kẻ bạo hành, như phải có luật bảo vệ nhân viên y tế, trong đó qui định hình phạt cụ thể cho những kẻ bạo hành. Song song với việc áp dụng các biện pháp mạnh với những kẻ bạo hành, ngành y phải tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề về y khoa, để họ có thể hiểu được những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt. Mặt khác, ngành y cần cải tiến các qui trình, huấn luyện kĩ năng giao tiếp cho nhân viên y tế, phát hiện và áp dụng hình phạt thích đáng cho những nhân viên y tế lợi dụng vị trí của mình để o ép, vòi vĩnh bệnh nhân, những nhân viên y tế thực sự vô cảm, không coi trọng quyền lợi của người bệnh.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy đó là những ước mơ xa vời.
Việc các bác sĩ và nhân viên y tế cần thể hiện sự quan tâm tới người bệnh, có cách giao tiếp phù hợp tránh gây bức xúc cho người bệnh và gia đình họ gần như là giải pháp được mọi người đề nghị. Đây là giải pháp đúng, nhưng theo tôi, nó không giảm nhẹ được nạn bạo hành y tế, vì những người bức xúc như vậy thường không bạo hành. Những kẻ bạo hành là những kẻ khác, chúng không bạo hành vì lỗi của nhân viên y tế, chúng chỉ muốn mọi người phải hành xử theo đúng ý muốn của chúng.
Trước mắt, nhân viên y tế cần phải nắm bắt ngay những biểu hiện của kẻ có khả năng bạo hành và thông báo cho nhân viên khác biết, chuẩn bị phương án trốn chạy. Và khi kẻ bạo hành ra tay, cần tránh xa khu vực, hạn chế tổn thất cho nhân viên y tế. Chỉ khi nào kẻ bạo hành được đưa ra khỏi khu vực khám chữa bệnh thì nhân viên y tế mới tiếp cận để thực hiện việc cứu chữa cho người bệnh. Trong điều kiện không ai quan tâm đến tính mạng và nhân phẩm của nhân viên y tế, thì tự thân nhân viên y tế phải quan tâm đến mình. Nên nhớ, trong công tác cứu hộ, nếu việc cứu hộ gây nguy hiểm cho người cứu hộ thì việc cứu hộ không được phép thực hiện. Nếu thầy thuốc muốn cứu chữa cho bệnh nhân, thì đầu tiên, họ không được để mình thành bệnh nhân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!