Làm thế nào để chống bạo hành y tế?

18-04-2017 06:58 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Chiều qua, ngồi trong quán cà phê sang trọng chờ một khách nước ngoài, hẹn gặp để trao đổi về quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, tôi nghe được chuyện ở đâu đó thân nhân bệnh nhân tát vào mặt bác sĩ đang khám bệnh cho con mình.

Tôi liếc nhẹ để nhìn những người đang hả hê kể câu chuyện đó, so sánh với không gian sang trọng nơi đây, tôi rất ngạc nhiên. Rõ ràng những người vào đây là người có thẩm mỹ, chọn một nơi đẹp đẽ để thụ hưởng một ly cà phê, dù đắt gấp mười ngồi vỉa hè. Có thẩm mỹ, vậy sao lại vui cười với vẻ tán đồng một hành động không thể chấp nhận được như vậy?

Theo dõi câu chuyện họ nói với nhau, đại ý rằng, nguyên nhân là do bác sĩ, do đạo đức y tế xuống cấp, do môi trường y tế không lành mạnh, bác sĩ ngày nay không đáng coi trọng như người thầy thuốc ngày xưa... Nghe kỹ thì ra, họ cũng không phải là người chứng kiến, họ chỉ nghe kể lại. Nghe họ bình luận, tôi thấy rất buồn.

Lẳng lặng, tôi ra quầy lễ tân xin mật khẩu để vào mạng, xem và thấy trên clip ghi lại, lỗi không do nữ bác sĩ khám cho bệnh nhi mà do nỗi lo sợ và bức xúc bị dồn nén nào đó của mẹ bệnh nhân nên chuyện đã xảy ra.

Thầy thuốc luôn phải tập trung cao độ để cứu người, đồng thời phải chịu áp lực từ nhiều phía. Ảnh: Trần Minh

Tại sao, tại sao, tại sao, những câu hỏi vang lên dồn dập trong trí não tôi. Đạo đức xuống cấp đến mức này chăng? Nguyên nhân sâu xa nào? Không chỉ ở bệnh viện (BV) này, với nữ bác sĩ này, gần đây, tình trạng bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đánh đập, hành hung xảy ra tại các BV không phải là ít.

Tại BV Nhi Trung ương, Hà Nội từng xảy ra sự việc cha bệnh nhi, hoặc côn đồ đến hành hung các bác sĩ chỉ vì lý do con bị chuyển viện. Tại BV đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, từng xảy ra nhiều vụ côn đồ đâm chém nhau rồi vào truy sát. BV đa khoa khu vực Long Thành cũng tương tự, giang hồ chém nhau trong BV như phim hành động... Ngay tại BV quận Tân Phú kể trên, việc bác sĩ Kim Ngân bị người nhà đánh không phải là lần đầu.

Trước đây, tại Khoa Cấp cứu từng xảy ra tình trạng bác sĩ bị người nhà đánh đập, giật thẻ khi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Bác sĩ này sau đó hoảng loạn và phải nộp đơn xin thôi việc. Ban giám đốc phải giải quyết bằng cách trấn an và bố trí để bác sĩ chuyển lên Khoa Nội làm việc tiếp...

Sau khi xảy ra sự việc, nữ bác sĩ thì hoảng loạn, còn mẹ bệnh nhân thì nói: “Tôi biết bác sĩ không có lỗi, bác sĩ chỉ là người cuối cùng nên bị tôi trút giận thôi”.

Vậy thì sao lại trút giận lên bác sĩ? Người/ngành mà mình không phải chỉ nhờ đến một lần. Đời người dài lắm, còn nhiều lần lắm, mỗi người còn cần đến bệnh viện, còn phải nhờ đến thầy thuốc, sao nỡ làm những việc như vậy?

Tôi rất thông cảm với người bệnh/người nhà người bệnh vì đau đớn, vì lo lắng, vì sốt ruột và thậm chí có thể vì ngứa mắt trước sự cửa quyền, sự dềnh dàng, sự vòi vĩnh của một ai đó khoác áo boluse trong ngành y tế. Và từ đó muốn “dạy cho họ một bài học” ư? Thế có tự hỏi, nghề của mình là gì, nếu người khác cũng hành xử như mình/côn đồ khi mình lỡ tay, khi mình chưa kịp, khi mình cũng chưa làm tròn bổn phận thì sao?

Thiết nghĩ, mỗi người phải chịu trách nhiệm trước hành động của mình, mình làm điều xấu, do mình bực bội thì cái đó khiến mình xấu hổ trước bàn dân thiên hạ trước. Cổ nhân có câu: Không đánh được người mặt đỏ như vang/Đánh được người mặt vàng như nghệ. Đánh nhau, đánh người đều không đem lại lợi ích gì.

***

Đang rất buồn, thì người bạn đến. Bà là một nhà văn hóa đến từ một đất nước xa xôi. Trước khi xin lỗi vì đến muộn khiến tôi phải chờ lâu, bà khen Việt Nam bây giờ có nhiều ngôi nhà đẹp, kiến trúc cảnh quan đẹp. Rồi, bà kể, do có việc đột xuất bà phải đi cùng với người nhà là người Việt, ghé qua một bệnh viện. Bà nói, bệnh viện của các bạn đông bệnh nhân quá, như vậy áp lực đè lên người chữa bệnh rất cao, chưa kể môi trường quá tải cũng gây ra lây nhiễm chéo...

Không ngờ bà lại nói vào chủ đề đang làm tôi bận tâm. Nhưng tôi không muốn kể câu chuyện vừa rồi, vì thời gian còn dành cho cuộc trao đổi chính. Bà trao đổi rất hào hứng, trong đó có những câu tôi rất nhớ: Mới 20 năm, kể từ lần đầu bà đến đây, Việt Nam thay đổi rất nhiều, đẹp và thịnh vượng. Nhưng, bà nói thêm: đó là nhìn ở bề ngoài, còn đằng sau đó, ý bà muốn nói rằng, mọi thay đổi phải hướng tới cải thiện đời sống tinh thần cho con người, làm sao cho con người được thanh thản, được an nhiên. Đó là những điều kiện cho đạo đức phát triển...

Tiễn bà về rồi, tôi cứ nghĩ mãi những điều bà nói. Và tôi viết ra đây ước ao của mình: Thành phố cần phát triển nhưng đừng dồn dập cùng một lúc, gây ra xáo động quá đỗi, khiến cho giao thông căng cứng, khiến cho trí não con người mệt mỏi. Thành phố hãy giảm thiểu những tiếng ồn, thậm chí phải có luật về tiếng ồn. Nhà nước phải ưu tiên xây dựng bệnh viện, tăng cường đội ngũ y bác sĩ, có chế độ đãi ngộ thích đáng để đội ngũ y bác sĩ có điều kiện giữ được thanh liêm...

Như vậy, sẽ giảm thiểu những bức xúc không đáng có. Còn những người hay bức xúc, hãy cố gắng để trau dồi khả năng kiềm chế, không phải để nhịn nhục mà để cùng nhau tạo ra cuộc sống hài hòa. Xã hội cũng không nên cổ vũ cho những hành động bạo hành. Không nên a dua với những hành vi thiếu kiềm chế. Và nhất là, hãy sẵn lòng cảm thông để bản thân cũng được cảm thông.


Nhà văn Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn