-
Các chiến đấu cơ thuộc Quân khu Thành Đô, Trung Quốc, tập trận ở khu vực Tây Tạng. Ảnh: Xinhua
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về Trung Quốc cho rằng quy mô của cuộc hiện đại hóa của không quân Trung Quốc hiện nay là "chưa từng có trong lịch sử".
"Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) đang theo đuổi quá trình hiện đại hóa trên quy mô chưa từng có trong lịch sử, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về năng lực với các lực lượng không quân phương Tây, trong đó có máy bay, năng lực chỉ huy và kiểm soát (C2), phá sóng, tác chiến điện tử (EW) và kết nối dữ liệu", Lầu Năm Góc tuần trước cho hay trong báo cáo thường niên về quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Đây là điểm mới mới trong bản báo cáo năm nay, không hề có trong báo cáo thường niên năm 2013 và mục nói về không quân Trung Quốc là một trong những phần dài nhất của báo cáo. Điều này dường như thể hiện mối quan ngại đang gia tăng của Washington đối với năng lực trên không của Trung Quốc.
Sau khi cho rằng PLAAF là lực lượng không quân lớn nhất châu Á, lớn thứ ba thế giới, báo cáo nhấn mạnh lực lượng này có "khoảng 330.000 sĩ quan và tổng cộng hơn 2.800 máy bay, chưa kể các máy bay không người lái (UAV)". Trong tổng số 2.800 máy bay, khoảng 1.900 chiếc là máy bay chiến đấu. 600 trong số này thuộc loại hiện đại.
Việc máy bay của PLAAF đang ngày càng tân tiến dường như là mối quan ngại hàng đầu của Lầu Năm Góc trong báo cáo mới. Ví dụ, năm ngoái, báo cáo ghi nhận rằng dù Trung Quốc đang cho ra ngày càng nhiều máy bay thế hệ thứ 4, "lực lượng này vẫn chủ yếu bao gồm hầu hết các máy bay thế hệ hai và ba, hoặc những biến thể được cải tiến của những máy bay này".
Ngược lại, báo cáo năm nay cho biết dù PLAAF tiếp tục vận hành máy bay thế hệ hai và ba, nhiều khả năng phi cơ thế hệ 4 sẽ chiếm đa số trong vòng vài năm tới.
Báo cáo cũng lần đầu lưu ý việc Trung Quốc cố gắng mua các máy bay Su-35 của Nga, cùng hệ thống radar IRBIS-E tiên tiến. Nếu Bắc Kinh mua thành công những máy bay này, Lầu Năm Góc nhận định chúng có thể sẽ đi vào phục vụ trong khoảng từ năm 2016-2018. Theo một phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat hồi tháng 11/2013, Su-35 sẽ cải thiện đáng kể năng lực trên không của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mục nói về đội oanh tạc cơ Trung Quốc năm nay cũng được cập nhật, cho thấy rằng Washington đã thu thập thêm nhiều thông tin hơn về đội oanh tạc cơ H-6. Ví dụ, báo cáo năm ngoái cho biết Trung Quốc tiếp tục cải tiến đội máy bay ném bom H-6, "với một biến thể mới có tầm bay xa hơn và sẽ được trang bị tên lửa hành trình tầm xa (LACM)".
Báo cáo năm nay bổ sung thêm chi tiết khi cho rằng Trung Quốc vừa phát triển biến thể H-6K với động cơ phản lực cánh quạt đẩy, giúp nó bay xa hơn. "Người ta tin rằng nó có thể mang 6 LACM. Việc cải tiến H-6 thành máy bay chở được tên lửa hành trình đem đến cho không quân Trung Quốc năng lực tấn công đối đầu tầm xa với vũ khí dẫn đường chính xác".
Các chuyên gia phân tích quân sự Mỹ mới đây cũng cho rằng Trung Quốc có bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa và gia tăng các tên lửa hành trình cùng hệ thống phóng.
Trọng tâm của báo cáo là tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của không quân Trung Quốc. Điều này nhất quán với việc các sĩ quan không quân Trung Quốc đang nắm giữ nhiều vai trò quan trọng, cao cấp trong lực lượng quân đội nước này.
Mặt khác, báo cáo mới lùi tiến độ mà Mỹ dự đoán Trung Quốc đóng xong tàu sân bay nội địa đầu tiên. Báo cáo năm ngoái gợi ý rằng con tàu có thể sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối thập kỷ này. Báo cáo mới lại cho hay tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc phải đầu thập kỷ sau mới vận hành được.
Theo VnExpress