Trung Quốc tiếp tục “giả mù sa mưa”

09-06-2014 15:26 | Quốc tế
google news

Biển Đông tiếp tục “nóng” trước những hành động ngang ngược, điên cuồng của Bắc Kinh, khi tàu Trung Quốc đâm trực diện vào tàu kiểm ngư Việt Nam

Những ngày cuối tuần, Biển Đông tiếp tục “nóng” trước những hành động ngang ngược, điên cuồng của Bắc Kinh, khi tàu Trung Quốc (TQ) đâm trực diện vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Bắc Kinh vẫn bất chấp dư luận, ra rả giọng điệu cũ mòn “chúng tôi chỉ phòng thủ”.

Dư luận thế giới ngày càng nhận rõ những tuyên bố khác xa với việc làm của TQ. Không còn ai tin được lời nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, khi ông ta hùng hồn rằng, phía Việt Nam đã đâm tàu TQ đến hơn 1.200 lần tính từ ngày giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) của nước này di chuyển đến khu vực gần đảo Tri Tôn trong vùng biển Hoàng Sa. Bất chấp các bằng chứng về hành vi gây hấn của tàu chiến TQ được báo chí nước ngoài ghi nhận, ông Hồng Lỗi vẫn đổ lỗi cho Việt Nam là bên tấn công, TQ chỉ phòng thủ. Ông ta còn ngang ngược yêu cầu Việt Nam “từ bỏ hoang tưởng” và “chấm dứt mọi hành động khiêu khích”, rút tàu ra khỏi khu vực gần giàn khoan, nếu không sẽ gánh chịu mọi thiệt hại khi “làm lớn chuyện”.

Tổng thống Philippines tiếp tục bày tỏ sự quan tâm về động thái TQ lấn chiếm ở Biển Đông (ảnh: Getty Images)

Không chỉ với Việt Nam, TQ còn tiếp tục gia tăng các hoạt động quân sự, lấn ép với quốc gia khác. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte, nói TQ đã gây tổn hại các bãi đá ngầm trong nỗ lực nhằm biến hai bãi đá ở Biển Đông này thành hai hòn đảo. Trước đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã bày tỏ sự quan ngại, sau khi xem những bức không ảnh giám sát chụp các tàu vận tải có nhiệm vụ lấn biển ở khu vực hai bãi đá ngầm bị TQ chiếm giữ, là bãi Cuarteron và Gaven trong quần đảo Trường Sa. Tháng trước, Philippines cũng công khai tố cáo TQ hoạt động lấn biển quy mô lớn tại đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, mà các chuyên gia nhận định có thể để xây dựng đường băng đầu tiên của TQ tại khu vực tranh chấp này. Cũng vì quá hiểu TQ, Manila tuyên bố nỗi lo ngại, sau khi quấy phá Việt Nam, Bắc Kinh sẽ đưa giàn khoan vào vùng biển của Philippines.

Theo tờ South China Morning Post ngày 7/6, hai học giả Kristine Kwok và Minnie Chan cho biết, TQ đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở đảo đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, nhằm biến nơi này thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ hơn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, từ đó triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đông. Cũng theo các học giả này, hành động đó được xem là bước tiến tới việc tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đây cũng là động thái cho thấy sự thay đổi chính sách của TQ từ thế phòng thủ sang thế tấn công ở Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông.

Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu TQ đâm va hư hỏng (Nguồn: Cục Kiểm ngư)

Làm sao tin được TQ, khi báo cáo của Lầu Năm Góc mới đây khẳng định, Bắc Kinh đã “giấu diếm” 20% mức tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2013. Thay vì đưa ra con số 145 tỷ USD chi phí quốc phòng năm ngoái (theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ), Bắc Kinh chỉ công bố mức chi 119,5 tỷ USD. Ngân sách quân sự của TQ, cả số công bố cũng như ước tính của Lầu Năm Góc, đều cao hơn nhiều so với chi tiêu quốc phòng của các nước láng giềng. Năm 2013, ngân sách quốc phòng của Nga chỉ là 69,5 tỷ USD, Nhật Bản - 56,9 tỷ USD, Ấn Độ - 39,2 tỷ USD và Hàn Quốc - 31 tỷ USD.

Ngay cả ý tưởng xây dựng một con đường tơ lụa mới trên biển trong thế kỷ XXI, trên cơ sở tái lập con đường hàng hải từ nhiều thế kỷ trước nối eo biển Malacca với Biển Đông, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm Đông Nam Á tháng 10/2013, cũng khiến các nước trong khu vực cảnh giác. Dù các nước láng giềng trong khu vực hoan nghênh quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với TQ, nhưng họ cũng không che giấu nỗi nghi ngại đối với ý định của Bắc Kinh. Liệu dự án này có gắn với các ràng buộc chính trị hay không trong bối cảnh TQ thiếu thiện chí để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ?

Hình ảnh cho thấy TQ xây dựng tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh: AFP)

Những diễn biến nguy hiểm ở Biển Đông và cuộc đấu tranh kiên trì, mạnh mẽ của Việt Nam đã khiến Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), các tổ chức vốn rất ít có ý kiến đối với các cuộc xung đột, cũng phải lên tiếng. Công hàm của OIF ngày 6/6 nêu rõ: “Tổ chức quốc tế Pháp ngữ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc gia tăng căng thẳng trong khu vực đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại và tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế”. Trước đó, UNESCO cũng gửi công hàm với quan điểm tương tự đến phái đoàn thường trực của Việt Nam, bên cạnh đó, tổ chức này nêu rõ: “UNESCO cùng với Tổng thư ký LHQ bày tỏ sự quan ngại trước việc gia tăng căng thẳng trong khu vực và đề nghị tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa cũng như giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Theo Phụ nữ

 

 
Giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Xung quanh việc TQ hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam
(cập nhật liên tục)
Diễn biến

 


Ý kiến của bạn