Trào lưu bỏ phố về quê 'sốt' trở lại do giá chung cư tiếp tục leo thang?

23-03-2024 16:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, trào lưu bỏ phố về quê của giới trẻ đang có dấu hiệu "sốt" trở lại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do giá chung cư tăng quá cao so với thu nhập hiện nay.

"Bỏ phố về quê" là khái niệm được giới trẻ nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội bắt đầu từ khi đại dịch COVID-19 xảy đến. Trào lưu này đã không còn xa lạ với những người trẻ và đang có dấu hiệu "sốt" trở lại thời gian gần đây. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, nhiều người mất việc, những người trẻ đau đầu với lựa chọn nên tiếp tục bám trụ lại Thủ đô hay rũ bỏ áp lực, bỏ phố về quê, 'nuôi thêm cá, trồng thêm rau'... Và một bộ phận không nhỏ đã lựa chọn rời xa thành phố, trở về quê hương tìm kiếm những cơ hội mới.

Trào lưu bỏ phố về quê 'sốt' trở lại do giá chung cư tiếp tục leo thang?- Ảnh 1.

Hành trình "Bỏ phố về quê sống cùng ông bà cạnh bìa rừng ở Thanh Hóa" của Facebooker Linh Nguyễn. Ảnh: Facebook Linh Nguyễn.

Kiếm việc khó, chật vật mưu sinh tại Hà Nội

Tốt nghiệp ngành kỹ sư điện tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội nhưng ra trường không xin được việc, Lê Văn Mạnh (24 tuổi, Cầu Giấy) lựa chọn làm tài xế xe công nghệ để mưu sinh. 

Anh Mạnh chia sẻ, thời gian đầu, mỗi ngày chạy xe có thể kiếm từ 500 - 600.000 đồng, ngày cao điểm có thể lên tới cả triệu đồng. Nhưng hiện tại, do mức chiết khấu thay đổi, cạnh tranh cao nên thu nhập của anh Mạnh giảm tới hơn một nửa.

Thời buổi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sâu, lại không thể tìm kiếm công việc đúng ngành nghề nên anh Mạnh chán nản muốn bỏ phố về quê tìm kiếm cơ hội mới, không thể tiếp tục "lay lắt" sống qua ngày như vậy nữa.

Chị Nguyễn Thị Hải (29 tuổi, Long Biên) chia sẻ: "Tôi làm công nhân dệt may, tuy mức lương không cao nhưng nếu biết tằn tiện chi tiêu thì cũng tiết kiệm được một ít. Tuy nhiên, mấy năm gần đây làm ăn khó khăn, ít đơn hàng nên hầu như không còn tăng ca, thu nhập giảm nhiều quá mà tiền nhà trọ, ăn uống thì cứ ngày một tăng, cộng thêm tiền hàng tháng gửi về nhà khiến tôi rất vất vả, đành về quê chứ không cố gượng ở lại được nữa..."

Cũng giống như anh Mạnh, chị Hải, một bộ phận người trẻ tại Hà Nội đã mất đi việc làm, thu nhập giảm sút, khó tìm kiếm công việc mới đành ngậm ngùi hồi hương vì không thể tiếp tục kiếm sống tại Thủ đô được nữa.

Đất chật, người đông, môi trường sống ngột ngạt

Theo thống kê, mật độ dân số của thành phố Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước, tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật thành phố. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng tác động tiêu cực đến môi trường tại Hà Nội, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn... nghiêm trọng.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tương tự, tình trạng thiếu nơi tập kết rác thải, thiếu nước, thiếu quỹ đất,… cũng đều là những nguyên nhân khiến cho người trẻ sợ phố, muốn bỏ về quê sinh sống hiện nay.

Trào lưu bỏ phố về quê 'sốt' trở lại do giá chung cư tiếp tục leo thang?- Ảnh 2.

Tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở Hà Nội (ảnh minh hoạ).

Ước mơ sở hữu chung cư tại Thủ đô ngày càng vượt xa tầm với

Theo thống kê của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, hiện tại các căn hộ bình dân có mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2 không còn tồn tại ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Hiện nay, mức giá căn hộ dao động từ 40-50 triệu đồng/m2 gần như chỉ có tại vùng ven.

Chị Nguyễn Mỹ Linh (32 tuổi, Thanh Xuân) chia sẻ, vợ chồng chị đang dự tính về quê sinh sống, bởi ở quê giờ cũng phát triển không kém vùng ven thành phố lớn. Chị Linh cho biết thêm, chị là nhân viên văn phòng, chồng chị là hướng dẫn viên du lịch, thu nhập của cả hai vợ chồng cộng lại không vượt trội, trung bình khoảng 30-35 triệu đồng/1 tháng.

"Với thu nhập của vợ chồng tôi và tình hình giá chung cư Hà Nội cao chót vót như hiện nay, gia đình tôi không thể mua được một căn hộ dù là ven đô", chị Linh nói.

Một trường hợp khác là chị Lê Nga (35 tuổi, Cầu Giấy), sau 15 năm sinh sống tại Hà Nội, nay đã quyết định từ bỏ công việc kế toán viên để về quê tìm kiếm cơ hội mới. Chị Nga cho biết, chị luôn chăm chỉ làm việc và chi tiêu tiết kiệm với mong muốn sớm mua được một căn hộ cho riêng mình. Nhưng thực tế hiện tại cho thấy chị không có khả năng mua được một căn hộ trong nội thành vì giá quá đắt.

Không chỉ với riêng trường hợp của gia đình chị Linh hay chị Nga, với mức giá bán chung cư cao như hiện tại, ước mơ sở hữu một căn hộ của riêng mình đối với những người trẻ quả thực... ngày càng xa tầm với.

Trào lưu bỏ phố về quê 'sốt' trở lại do giá chung cư tiếp tục leo thang?- Ảnh 3.

Trào lưu bỏ phố về quê 'sốt' trở lại, nguyên nhân được các chuyên gia nhận định do giá chung cư tăng quá cao so với thu nhập. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân nào khiến trào lưu bỏ phố về quê "sốt" trở lại?

Nhận định về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho rằng, việc mua nhà ở các đô thị lớn Việt Nam sẽ ngày càng khó khăn. Do đó, các bạn trẻ cần có kế hoạch tích lũy, gia tăng thu nhập để sớm mua được nhà thay vì chờ đợi giá giảm sâu.

"Giá bất động sản Việt Nam sẽ khó có xu hướng giảm và khoảng cách giữa giá nhà với thu nhập bình quân của người dân sẽ ngày càng tăng lên", ông Nguyễn Quốc Anh dự báo.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định, giá nhà tăng liên tục từ năm 2017 đến nay và vẫn neo cao, vượt ngoài khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình đến thấp, những người trẻ,... 

Với căn hộ bình dân có giá 2-3 tỷ đồng, người có thu nhập trung bình thấp có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà.

Chia sẻ về việc nhiều bạn trẻ dự tính "bỏ phố về quê", chuyên gia bất động sản Nguyễn Quang Hòa cũng cho rằng giá nhà cao là một trong những lý do hàng đầu khiến nhiều bạn trẻ hiện có xu hướng này. Theo ông, giá căn hộ ở vùng ven thành phố thấp nhất cũng phải 1,5 - 2,5 tỷ đồng một căn, như vậy với những bạn mới ra trường để mua được cũng không phải dễ khi mức lương trung bình chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không vì vậy mà chúng ta không có cách. Theo ông, thời điểm này khi giá bất động sản cao thay vì chưa đủ tiền để mua thì giải pháp hợp lý nhất là thuê căn hộ để ở. 

Bất động sản là một tài sản lớn, để mua được bất động sản thường độ tuổi từ 28 trở lên mới đủ khả năng, còn độ tuổi chín muồi nhất là 30-32 tuổi. Các bạn trẻ trên nên căn nhắc kĩ càng khi lựa chọn giữa việc về quê hay bám trụ lại ở thành phố.

Giá chung cư ở Hà Nội tăng ‘chóng mặt’ liệu có bất thường?Giá chung cư ở Hà Nội tăng ‘chóng mặt’ liệu có bất thường?

SKĐS - Thị trường chung cư Hà Nội liên tục tăng giá, nhiều khu vực ghi nhận mức tăng lên đến hơn 100%, nguyên nhân do đâu?

Xem thêm video đang được quan tâm:

VIDEO - Luật Đất đai sửa đổi 2024 được thông qua, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ.


Linh Chi Vũ
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn