Cả cuộc đời làm ngành y, cái nghề mà người ta yêu cầu chúng tôi phải làm “Mẹ hiền” của cả xã hội. Tự kiểm điểm mình thấy mình làm việc cũng chăm chỉ, "hoàn thành nhiệm vụ” bao giờ cũng ở mức “lao động tiên tiến” thôi chứ chưa bao giờ được xuất sắc hay Chiến sỹ thi đua cả. Việc công thì như thế. Việc riêng mình cũng có một đứa con và không hiểu từ lúc sinh con ra và nuôi đến bây giờ mình có xứng đáng làm người mẹ hiền không?
Ra trường từ năm 1985, xin việc khó nhăn nên tôi ở nhà lấy chồng sinh con, con được 6 tháng thì mới xin được việc làm. Nhà cách BV 12km, thời ấy chỉ có chiếc xe đạp cũ kỹ. Hàng ngày tôi kẽo kẹt đạp xe từ 6 giờ sáng để kịp 7g30 giao ban, 5 giờ chiều mới được ra khỏi cửa cơ quan về đến nhà đã nhá nhem tối. Con khoán trắng cho ông bà ngoại. Lúc ấy cháu chưa cai sữa, thời ấy cũng chẳng sẵn sữa như bây giờ mà cho con uống. Con ở nhà khát sữa mẹ quấy ông bà ngằn ngặt. Mẹ đi làm ngực căng tức đến phát sốt. Lúc ấy tôi làm ở khoa nhi, thấy nhiều bé bệnh nhân không có sữa, lúc nào căng ngực lại vắt sữa ra cái ca mang xuống phòng bệnh cho cháu nào thiếu sữa. Có bà mẹ con bị suy dinh dưỡng thể Kwassiocor, da phù nứt chảy nước vàng toàn thân đưa hẳn con cho tôi bảo : “Thôi bác cứ cho cháu bú luôn đi còn mất công vắt ra làm gì”.
30 tết, tôi đi trực. Đêm ấy con ở nhà nhìn thấy chị dâu tôi (sinh con trước tôi 10 ngày) cho con bú, mắt cháu mở thao láo nhìn hau háu chị họ đang bú mẹ. Mẹ tôi thấy vậy bảo chị dâu tôi cho cháu bú một tý cho đỡ thèm, nhưng con chị đáo để, thấy mẹ nó cho đứa khác bú nó liền gào lên nhảy vào lòng mẹ đẩy bằng được thằng bé nhà tôi ra. Thằng bé như biết thân biết phận khóc thổn thức chứ không dám khóc to, nhưng cả đêm không nín.
Sau 5 năm tôi được chuyển về Hà Nội, nhưng bệnh viện của tôi lại phải đi tuyến liên tục, cộng với trực đêm triền miên, thời gian đầu tôi vẫn gửi con ở quê ngoại nhưng sau cũng đón cháu về cho đi học mẫu giáo. Có lần mẹ đi công tác xa, bố mải bạn bè quên đón con. 7 giờ tối vẫn chưa thấy ai đón cháu, bác bảo vệ hỏi “ Cháu có nhớ đường về không bác đưa về?”. Thằng bé bảo “Cháu có nhưng bác cho cháu ngồi xe đạp dắt cháu mới nhớ được”. Thế là bác bảo vệ đặt cháu lên Gác- ba –ga dắt từ nhà trẻ Nguyễn Công Trứ về ngõ chợ Khâm Thiên. Về đến nơi không có bố mẹ ở nhà, may ông bà hàng xóm bảo “thôi cứ để cháu ở bên này chúng tôi trông cho, khi nào bố mẹ nó về tôi sẽ trả tận tay”.
Nghề Y buộc chúng tôi phải dốc hết sức vào công việc, không có chuyện đi muộn về sớm, không có chuyện cắt xén giờ giấc để chợ búa lo cho gia đình. Con mình ốm đau cũng để đấy đến BV trực chăm cho người khác.... Ảnh minh họa.
Có lần 20-11, các thầy cô nghỉ mừng ngày nhà giáo. Không gửi con ở đâu được tôi đành đem đến BV, lúc ấy tôi làm phòng khám, kê cho con một góc bàn nhỏ để cháu học bài. Có người đưa con đến khám, không phải cấp cứu nhưng cứ đi thẳng vào phòng tôi. Tôi yêu cầu gia đình một người cho cháu khám, một người ra mua phiếu. Ông bố BN trơn mắt lên bảo tôi “Chị cứ khám xong thì tôi mua phiếu, 20 nghìn chứ 2 trăm nghìn tôi cũng mua”. Tôi nói đây là quy định của BV khám thường thì phải mua phiếu trước. Không vừa ý ông bố này chửi um xùm rồi lên ban giám độc kiện tôi “Không chịu khám bệnh mà ngồi chơi với con”. Thế là tôi bị trừ tiền thưởng A-B-C mất 3 tháng.
Lương ít, ngày ngày đi làm về tôi tranh thủ nấu nướng rồi cho con ngồi học bên cạnh, mẹ cặm cụi khắc tranh bán kiếm thêm tiền, con ngủ mẹ còn thức đến 2- 3 giờ sáng. Cuộc sống khó khăn, cộng việc quá bận rộn và áp lực. Ông chồng tôi không thông cảm, bất đồng quan điểm sống, thế là ra tòa. Tôi lại ôm con về tá túc bố mẹ (lúc ấy ông bà cũng đã chuyển về Hà Nội), cũng ngày đi làm xa hàng chục cây số, đi trực và công tác suốt, con lại nhờ ông bà. Có năm tôi đi học nâng cao ở Bạch Mai, đúng lúc cháu sắp thi vào cấp II, thế là tôi sáng đưa con đến trường rồi dến BV Bạch Mai học, trưa đạp xe 7 cây số về đón cho con ăn tạm rồi đèo nó 10km lên Láng Hạ học thêm, mình chạy vội về cơ quan làm việc buổi chiều, hết giờ lại vòng đi đón con, hôm nào đi trực thì phải cạy cục nhớ các bác, các cháu đi đón giúp.
Nhà ông bà cũng chật chội, không có chỗ riêng cho con ngồi học, tôi chạy vạy vay thêm bạn bè mua liều một mảnh đất 5% dựng lên căn hộ cấp 4 gần ông bà, cốt để dễ nhờ trông con. Thời gian ấy tôi vẫn phải đi công tác triền miên, có những tháng đi liên tục 26 ngày. Tôi dặn con (vẫn đang học cấp II) đi học về thì sang ông bà ăn cơm rồi về nhà khóa cửa ngồi học bài. Lắp một cái điện thoại cố dịnh để theo dõi con. May mà con tôi cũng ngoan và biết nghe lời, thời ấy lại chưa có điện thoại di động nên cũng không lo con trốn đi chơi nói dối. Cứ hàng tối từ các tỉnh xa gọi điện về xem con ăn chưa, học bài thế nào. Những ngày ở gần con chỉ đếm được trên 2 đầu ngón tay. Cũng may thời gian ấy đi học chuyên khoa 1, tôi quen được một cháu SV trường Y học rất giỏi và ngoan, nhờ cháu làm gia sư kèm cặp cho con. Có lẽ do ảnh hưởng từ anh Gia sư mà sau này cháu cũng cương quyết thi vào ĐH Y.
Gần 30 năm nuôi con. Yêu thương thì có thừa. Nhưng những gì tôi chăm sóc làm được cho con quá ít ỏi. Cái nghề Y buộc chúng tôi phải dốc hết sức vào công việc, không có chuyện đi muộn về sớm, không có chuyện cắt xén giờ giấc để chợ búa lo cho gia đình. Con mình ốm đau cũng để đấy đến BV trực chăm cho người khác. Không riêng mình tôi mà hầu như chị em trong nghề đều vậy cả. Có gia đình hai vợ chồng ngành y, chẳng khác gì vợ chồng Ngâu, thay phiên nhau đi trực.
Khi vào cấp III, cháu đi học xa, thời gian thất thường, ông bà đã già yếu nên tôi rèn cho cháu tự nấu ăn. Cơm buổi sáng tôi cắm sẵn, rau cỏ rửa để đấy, thịt cá nấu từ hôm trước. Có lần tôi ướp sẵn thịt bò dặn cháu đi học về xào ăn cho nóng, “Xào thịt bò con phải cho to lửa, mỡ nóng già cho thịt vào xào mới ngon”. Tối về thấy con tay bỏng phỏng rộp đỏ tấy, hoảng hốt hỏi con làm sao. Nó bảo “Con cho mỡ rồi vặn to bếp, lửa bùng lên, con sợ cháy nhà nên cố dập mới bị bỏng”. Tôi vã mồ hôi, dặn con “Lần sau nếu có cháy nổ gì con cứ chạy ra ngoài, nhà cháy cũng được, cốt còn người con ạ”. Và rồi cũng không dám để con tự nấu nữa, lại quay lại những ngày gửi con ăn nhờ lúc thì ông bà, lúc thì cô bác.
Xót con, tôi xin chuyển công tác để đỡ phải đi xa. Lúc này cháu đã vào đại học. BV mới không phải đi công tác nhưng trực nhiều, bệnh nhân đông. Có khi con sốt cao, không thể nghỉ được vì khoa thiếu người, sáng ra tôi nấu sẵn cháo, đặt sẵn thuốc và nước đầu giường dặn con tự ăn cháo, uống thuốc, có gì thì gọi điện cho mẹ. Một tuần tôi trực 1- 2 buổi, về nhà mệt rũ cũng chẳng có thời gian nấu nướng tử tế cho con ăn. Thời kỳ này cháu cũng đã bắt đầu đi trực các bệnh viện, ngày đi học 3 ca. Một tuần hai mẹ con chỉ ăn được với nhau 3- 4 bữa là cùng. Biết là ăn hàng quán không đảm bảo tôi vẫn phải chấp nhận cho cháu ăn trưa và các buổi trực tối ở ngoài vì thời gian đi các BV không đủ để cháu về qua nhà ăn cơm. Hai mẹ con lại thường xuyên phải căn lịch trực của nhau để tránh trùng mà có người trông nhà. Có năm tết Mẹ trực 30, con trực mùng 1, thế là xong cái Tết.
50 tuổi, cảm thấy không đủ sức chống chọi với những buổi trực trắng đêm và quá nhiều áp lực. Tôi xin nghỉ hưu theo chế độ XQ, ra ngoài làm, không trực nữa nhưng công việc vẫn đòi hỏi tôi làm 6 ngày/tuần. Thời gian dành cho con cũng rất ít. Bây giờ con tôi cũng đã là Bác sỹ. Chỉ hơn một điều mỗi lần con đi trực về tôi có thể nấu một bữa nóng sốt tử tế cho con ăn.
Gần 30 năm nuôi con. Yêu thương thì có thừa. Nhưng những gì tôi chăm sóc làm được cho con quá ít ỏi. Cái nghề Y buộc chúng tôi phải dốc hết sức vào công việc, không có chuyện đi muộn về sớm, không có chuyện cắt xén giờ giấc để chợ búa lo cho gia đình. Con mình ốm đau cũng để đấy đến BV trực chăm cho người khác. Không riêng mình tôi mà hầu như chị em trong nghề đều vậy cả. Có gia đình hai vợ chồng ngành y, chẳng khác gì vợ chồng Ngâu, thay phiên nhau đi trực. Các bạn BS ở BV Việt Đức vì số lượng BN quá đông phải đi làm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới được về. Các bạn ấy nói đùa (mà rất thật): “Em đi làm, con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ chị ạ”, có nghĩa là khi dắt xe đi làm cả con và chó đều chưa dậy, tới lúc về được đến nhà thì chó và con cũng… ngủ rồi.
Ấy vậy mà người ta vẫn suốt ngày bắt chúng tôi phải như mẹ hiền với cả xã hội. Dù công việc nặng nhọc vất vả, quá nhiều áp lực. Dù đồng lương ít ỏi. Dù chúng tôi cũng không có thời gian và sức lực để chăm sóc cho gia đình mình. Nói thật, tôi rất dị ứng với câu “Lương y phải như mẹ hiền”. Tôi chỉ ao ước tôi là người mẹ chu toàn với con tôi và là một viên chức hoàn thành công tác tốt mà thôi. Tôi còn may mắn là con tôi ngoan, chịu khó học hành và hiếu thảo với mẹ. Chứ làm mẹ hiền cho xã hội, chẳng thấy ai quan tâm tới những người “mẹ” nghèo và vất vả như chúng tôi, mà cứ một sai sót, một lỗi lầm của ai đấy là người ta lại nhao nhao lên chửi quy tội cả ngành chúng tôi.
Ôi tội nghiệp những “Người Mẹ Hiền”.
BS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Trân trọng cảm ơn!