Hà Nội

Người mẹ hiền của những bệnh nhân phong

22-06-2012 11:15 | Y tế
google news

Không phải nghiễm nhiên mà cái tên “mẹ Xuân” lại được các bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh gọi một cách thân thương và trân trọng đến như vậy,

(SKDS) –  Không phải nghiễm nhiên mà cái tên “mẹ Xuân” lại được các bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh gọi một cách thân thương và trân trọng đến như vậy, bởi chị đã hy sinh cả hạnh phúc cá nhân để gắn bó, giúp đỡ  và sẻ chia  với những bệnh nhân phong. Chị còn lo cho họ cả bữa ăn, giấc ngủ. Cũng nhờ có chị mà sự xa lánh, kỳ thị đối với bệnh nhân phong đã được xóa bỏ, bản thân bệnh nhân phong sống hòa nhập với cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Xuân sinh  năm 1957 tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Khi chị lên 9 tuổi thì bố mất và đến năm 19 tuổi mẹ lại không may qua đời. Là chị cả trong gia đình nên chị tần tảo nuôi dạy, đùm bọc các em khi còn thơ dại. Có lẽ chính vì thế mà sự cảm thông, tình thương yêu, lòng nhân ái trong chị ngày càng được nhân lên. Chị chọn cho mình một con đường riêng, đó là nghề dạy trẻ.
 
Thời gian trôi đi lặng lẽ và các em của chị cũng trưởng thành dần. Ở thời điểm đó chị gặp cụ Tình, cụ là người mắc bệnh phong. Ngày đó bệnh phong được coi là “tứ chứng nan y” nên người ta mặc cảm, xa lánh, thậm chí ai mắc bệnh là bị đuổi khỏi làng. Vì thế trong lúc cụ lâm bệnh nặng chẳng ai dám đến gần, thấy vậy chị lén đến chăm sóc cụ. Khổ tâm hơn là ngày cụ qua đời mà không có một vành khăn tang.
 
Chị tự nghĩ tại sao người bị bệnh phong lại bị đối xử như vậy? Làm thế nào để mọi người coi họ như những bệnh nhân bình thường? Tất cả những câu hỏi mà chị tự đặt ra khó có câu trả lời vì quan niệm, nhận thức của mọi người đối với những người mắc bệnh phong ở thời điểm đó đã ăn sâu vào tiềm thức, khó có thể thay đổi. Cũng một hôm chị tình cờ đọc được một cuốn sách nói về một trại phong ở nước ngoài và chị thầm mong ở Bắc Ninh cũng có một trại phong như thế để người bệnh có điều kiện chăm sóc.
 
Chị còn nhớ như in lúc chị thôi nghề dạy trẻ để đến chăm sóc cho bệnh nhân phong tại Khu điều trị phong Quả Cảm  (bây giờ là Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh). Mặc dù người thân, bạn bè can ngăn, nhưng chị quyết tâm tình nguyện đến một nơi mà cứ nói đến là mọi người dị ứng, thậm chí ghét bỏ, sợ sệt.
 
Ban đầu chị dạy bệnh nhân phong và con em của họ dệt chiếu, đan làn cói, dạy chữ. Đối với chị, được chăm sóc và giúp đỡ bệnh nhân phong là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Vì thế chị coi bệnh nhân như anh em ruột thịt của mình. Năm 1990 chị xin đi học lớp y tá ở Khu điều trị phong Quy Hòa - Quy Nhơn - Bình Định. Kết thúc khóa học, chị được phân công làm y tá ở Khoa phong và công việc hằng ngày là cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Ở thời điểm đó, Khu điều trị phong Quả Cảm có khoảng trên 300 bệnh nhân, trong đó số người bị tàn tật khá đông, nhiều người không tự đi lại được mà phải cõng, phải dìu.
 
 Những đôi dép đặc biệt do y tá Nguyễn Thị Xuân làm ra giảm bớt nỗi đau cho bệnh nhân phong.
Thế là họ nghĩ ra cách làm chân giả bằng những chiếc xô hỏng hoặc đục gỗ để đút chân vào, nhưng đi lại vẫn rất khó khăn vì đau. Họ lại nghĩ ra một cách là mua những chiếc giày cao cổ để đi, nhưng cũng không thuận tiện. Thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh, chị xin đi học lớp làm chân giả ở Khu điều trị phong Bến Sắn ở TP. Hồ Chí Minh, rồi lớp làm giày dép chỉnh hình ở Khu điều trị phong Quy Hòa - Quy Nhơn - Bình Định. Tại đây, chị được học cách làm giày dép chỉnh hình cho những bàn chân biến dạng. Trở về, với sự giúp đỡ của bạn bè và sự thông cảm, chia sẻ của những nhà hảo tâm, chị xin thành lập Phòng phục hồi chức năng vì chị nghĩ đó mới là nơi bệnh nhân phong đang cần.
 

Ðiều đặc biệt là y tá Nguyễn Thị Xuân được bệnh nhân tôn vinh như là “vị thánh sống”, một “người mẹ hiền” đầy tình thương và trách nhiệm. Còn đối với đồng nghiệp, chị được coi như chị cả trong gia đình, một người đồng nghiệp giản dị, cởi mở, chân thành, một người gần trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp ngành y tỉnh nhà, cho sức khỏe bệnh nhân phong mà không màng đến danh lợi.

Hằng ngày chị cần mẫn cắt, gọt, sản xuất ra những đôi giày dép khuôn bột. Nó không chỉ phù hợp với từng bàn chân cụt rụt mà với chất liệu mềm, êm nên các vết thương ở bàn chân dần dần hồi phục, bệnh nhân đi lại dễ dàng. Từ đó, cứ mỗi năm chị sản xuất được khoảng 100 đôi giày dép, chỉnh hình cho những bàn chân biến dạng, sửa chữa kịp thời khoảng 50 chiếc, ngoài ra còn hướng dẫn bệnh nhân phong  tập luyện phục hồi chức năng hằng ngày. Nhờ vậy bệnh nhân phong sớm phục hồi cả tinh thần lẫn sức khỏe.
 
Cụ Nguyễn Thị Thoi, 82 tuổi ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng kể lại: Tôi ở đây từ năm 1965, do bị bệnh phong nên 2 bàn chân, bàn tay cứ cụt dần, bên cạnh chế độ chăm sóc của bệnh viện, được mẹ Xuân làm cho giày dép, tạo điều kiện cho nhà ở nên cũng đỡ tủi thân hơn. Tôi coi mẹ Xuân như người mẹ thứ hai của mình. Là người chung cảnh ngộ, bệnh nhân Nguyễn Văn Hiền năm nay đã bước sang tuổi 74. Ông sống ở đây đã được hơn 30 năm rồi.  Do bị cụt chân tay nên trước đây chẳng làm được gì, thậm chí cả việc ăn uống, sinh hoạt đều phải nhờ người giúp. Nhưng từ khi có dụng cụ hỗ trợ nên ông đã tự viết thư, tự ăn uống và đi lại. Đó là công lao lớn của mẹ Xuân - ông nói như vậy.
 
Với bản chất cần cù, chịu khó và sự thông minh, chị đã có nhiều sáng kiến hay nhằm phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, giúp họ tự phục vụ sinh hoạt như: thiết kế và sản xuất nạng gỗ để bệnh nhân tự đi lại, dụng cụ hỗ trợ bàn tay cụt rụt để bệnh nhân có thể viết, bệnh nhân có thể tự ăn uống và làm một số công việc một cách dễ dàng.
 
Để bệnh nhân phong giảm bớt những khó khăn, chị đã lặn lội đến khắp xóm làng, địa phương, các nhà hảo tâm xin kinh phí hỗ trợ để xây dựng 28 căn nhà cho bệnh nhân phong nghèo tại Bắc Ninh và hơn 100 căn nhà ở các tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn..., rồi xây dựng phòng mổ, nhà ăn tập thể, nhà khách, sửa đường đi lối lại trong bệnh viện, giúp bệnh nhân phong  đào ao thả cá, trồng cây ăn quả... để có thêm thu nhập.
 
Ngoài ra, chị còn giúp vốn từ 8 - 10 triệu đồng cho 10 hộ bệnh nhân phong để chăn nuôi, trao tặng 23 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh là con em bệnh nhân phong, hỗ trợ học bổng cho 300 em học sinh, mỗi năm từ 2 - 2,5 triệu đồng; 25 sinh viên là con em bệnh nhân phong và sinh viên khuyết tật, mỗi em từ 4 - 6 triệu đồng để đầu tư máy tính phục vụ cho việc học tập.
 
Y tá Nguyễn Thị Xuân giúp bệnh nhân phong vận động bằng chân giả.
Nhằm động viên, khuyến khích con em bệnh nhân phong xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, ngoài sự hỗ trợ về vật chất, chị đã tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà từ thiện tổ chức nhiều đợt sinh hoạt bổ ích như: tổ chức các cuộc giao lưu đoàn kết cho bệnh nhân phong và con em của họ tại Bắc Ninh và các tỉnh bạn như: Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên..., tổ chức đi tham quan, nghỉ mát... và còn nhiều việc có ích, mang đầy ý nghĩa nhân văn khác mà  không thể kể hết trong bài viết này.
 
BS Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh vui mừng nhận xét: Thật tự hào khi có một cán bộ như nữ y tá Nguyễn Thị Xuân. Tất cả những việc đồng chí ấy đã làm là vì sức khỏe của những bệnh nhân phong, vì lợi ích tập thể, vì lợi ích cộng đồng.

Ghi nhận những thành tích chị đã đạt được, năm 2006 chị đã được báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng “Nhân vật sống vì cộng đồng”, năm 2010 chị vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen, giấy khen các cấp, đặc biệt chị đang được đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ấy vậy mà khi hỏi về thành tích thì chị lại rất khiêm tốn: Có gì đâu em, chị làm việc này không phải vì thành tích mà là vì lương tâm nghề nghiệp, vì tình thương giữa con người với con người và chị mong sẽ làm được nhiều việc hơn nữa cho bệnh nhân phong, cho những người kém may mắn trong cuộc sống.

Dù biết chặng đường phía trước còn chồng chất những khó khăn, nhưng chị vẫn quyết tâm vươn tới. Chị đã mang lại cuộc sống, hạnh phúc cho bệnh nhân phong và thành quả hôm nay là công lao của chị trong gần 25 năm ươm trồng, vun đắp. Chị xứng đáng với tên gọi: Thầy thuốc như mẹ hiền.

Y tá Nguyễn Thị Xuân giúp bệnh nhân phong vận động bằng chân giả.

Bài, ảnh: Thế Thực


Ý kiến của bạn