“Thầy thuốc như mẹ hiền” phải chăng vô điều kiện?

25-02-2012 08:22 | Y tế
google news

Sức khỏe là thứ đáng giá nhất của một đời người. Toàn xã hội “khỏe” được không chỉ nhờ các thầy thuốc trực tiếp khám, chữa bệnh.

Sức khỏe là thứ đáng giá nhất của một đời người. Toàn xã hội “khỏe” được không chỉ nhờ các thầy thuốc trực tiếp khám, chữa bệnh. Điều chưa được làm tốt của ngành y tế là chưa biết cách biến những người bệnh, người dân trở thành bác sĩ của chính họ trong lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng.
 
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, khẩu hiệu “mỗi người tiêu dùng là một người tiêu dùng thông thái” từng là một cứu cánh? “Lắng nghe cơ thể bạn” từng là một phương châm phòng bệnh căn bản cho mọi người, trước khi đến bác sĩ? Trong lĩnh vực phục hồi chức năng, chẳng hạn đối với những người bị tai biến mạch máu não, tiểu đường hay đột quỵ, mọi lời khuyên của “mẹ hiền” đều vô nghĩa nếu mỗi “con bệnh” chỉ là chính mình, chỉ trông chờ vào sự “cứu nhân độ thế” của “mẹ hiền”. Tại sao lại là “con bệnh”? Vì là thầy thuốc phải như “mẹ hiền”, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn!?

Dân số ngày càng tăng và dân số già đi, mô hình bệnh tật từ mắc bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng là chủ yếu chuyển sang mắc các bệnh mạn tính, bệnh thời văn minh như béo phì, tăng huyết áp, stress... và bệnh nan y như ung thư, HIV/AIDS. Sự quá tải chỉ xảy ra ở những bệnh viện nơi mà thầy thuốc có chuyên môn cao, thiết bị hiện đại, nơi có thể cứu sống hoặc chữa khỏi bệnh cho đa số “con bệnh”. Sự vất vả của các “mẹ hiền” cũng tăng theo sự quá tải. Họ, những “mẹ hiền”, cũng là người, có gia đình và những chi phí đời thường như mọi người. Một bác sĩ mới ra trường sau 6 năm miệt mài học và hành, chấp nhận được đồng lương khởi điểm như mọi ngành khác chỉ học 3-5 năm để hành nghề quả là điều quá bất cập.

Nghề “cứu nhân độ thế” mà vẫn phải mưu sinh, vất vả cho nên nảy sinh các tiêu cực và sự lãnh cảm đối với người bệnh. Sự vất vả thường ngày tại bệnh viện và sự tất tả khi về nhà khiến một số y, bác sĩ quên mất mình mang sứ mệnh cứu người. Những sự niềm nở, ân cần hỏi han, động viên tinh thần không còn là thái độ thường trực ở họ nữa.
 
 Chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV tại bệnh viện.
Chao ôi, một bệnh nhân gặp phải những người lạnh lùng, vô cảm như thế thì “cửa sống” rất mỏng manh. Để yên tâm, người nhà bệnh nhân phải kiếm những nụ cười, thái độ ân cần của những người này bằng những “bì thư” với xấp tiền dày, mỏng khác nhau tùy thuộc sự khó khăn của căn bệnh của người thân. Tuy đó là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vì thế, hình ảnh và sự cao quý của ngành y, của các thầy thuốc cứ dần bị hủy hoại, méo mó. Không có thuốc sâu nào cho những “con sâu” loại này sao!?

Trong quan niệm xã hội, nghề y chỉ là nghề phục vụ, dịch vụ không hơn, không kém? Nhất cử, nhất động trong mọi hành vi ứng xử của nhân viên ngành y, dù họ là bác sĩ, y tá, hộ lý hay nhân viên bảo vệ... đều có thể bị quy kết thành tội lỗi, như thể “ôsin” có lỗi với chủ. Tiền “boa” cho họ trở thành chủ đề, đề tài hốt bạc cho những “nghệ sĩ vô tư” với sức khỏe. “Táo Y tế” trở thành tâm điểm châm biếm của xã hội, như thể ngành y không còn tình người, là tấm gương xấu!?

Sự cứu vãn tình trạng sa sút y đức không chỉ bằng những lời khuyên, lời thề hay kỷ luật hành nghề. Trên tất cả, các chính sách cho ngành y tế, cơ chế tiền lương phải được cải cách càng sớm càng tốt.

Trong ngành y, điều trị chỉ là một lĩnh vực. Vì thế, các “thầy thuốc không giường bệnh” trên mặt trận y tế dự phòng và các cán bộ, nhân viên không chuyên ngành y trong ngành y tế, gián tiếp bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng phải được đối xử xứng đáng. Đó mới là công bằng! Đấy là trách nhiệm của xã hội khi vẫn còn ví von “thầy thuốc như mẹ hiền”.  

Thiện Chí


Ý kiến của bạn