Hà Nội

Tiểu thương thi nhau 'bán đổ bán tháo' hoa thu hồi vốn sau 8/3

09-03-2023 14:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều cửa hàng "buôn may, bán đắt", bán được hết số hoa nhập về nhưng cũng có không ít chủ cửa hàng phải nhăn nhó vì ế hoa dịp 8/3.

Sau lễ Valentine 14/2 là đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, nắm bắt được nhu cầu về hoa tươi tăng đột biến, nhiều tiểu thương đua nhau nhập hoa về bán, trong đó có cả những bạn sinh viên yêu thích việc kinh doanh.

Theo tìm hiểu, năm nay nhiều cửa hàng hoa "buôn may, bán đắt" trong ngày 8/3, tuy nhiên cũng có không ít chủ cửa hàng phải nhăn nhó vì… bị ế.

Hoa ế sau 8/3, ông bà chủ bán 'tháo' thu hồi vốn - Ảnh 1.

Nhiều chủ cửa hàng hoa kêu bị... ế

Bạn Thanh Liễu, sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (Hà Nội) chia sẻ, vì đã có kinh nghiệm sau hai năm liên tiếp bán hoa trong các ngày lễ như Valentine, 8/3, 20/10… nên dịp 8/3 năm nay, Liễu cũng mạnh dạn buôn hoa. May mắn, việc kinh doanh hoa của Liễu diễn ra khá thuận lợi.

"Năm nay giá hoa đắt hơn mọi năm nên tôi xác định lãi ít để bán được nhiều. Tôi đã thức gần như trắng đêm 7/3 và rạng sáng 8/3 để đi lấy hoa từ chợ đầu mối, rồi về tự tay bó hoa, cắm hoa. Làm vậy sẽ giúp tiết kiệm được một khoản kinh phí, nên bán rẻ hơn người khác một chút cũng sẽ vẫn có lãi", Thanh Liễu chia sẻ.

Cũng theo cô sinh viên này, nhờ số tiền lãi từ việc bán hoa trong ngày 8/3, cô có thể tự trang trải học phí, sinh hoạt trong vòng 2-3 tháng mà không cần phải xin gia đình.

Hoa ế sau 8/3, ông bà chủ bán 'tháo' thu hồi vốn - Ảnh 2.

Nhều "sạp hoa di động" cho biết, kinh doanh hoa trong ngày 8/3 khá suôn sẻ.

Trái ngược với Thanh Liễu, chị Minh Uyên – một bà chủ "chính hiệu" của cửa hàng hoa quả nhập khẩu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của chị chủ yếu bán các loại quả nhập khẩu, còn hoa thì chị chỉ bán thêm vào các ngày lễ, nhưng năm nay bán hoa ngày 8/3 với chị  "không ăn thua".

"Giá hoa năm nay cao nên mình cũng phải bán giá cao, mà khách hàng lại mặc cả nhiều quá nên không thể bán được. Chính vì vậy mà năm nay hết ngày 8/3 mình vẫn bị ế khoảng gần nửa số hoa. Đến hôm nay là 9/3 mình đành bán hòa vốn, thậm chí bán lỗ. Hi vọng sẽ bán hết số hoa còn lại", chị Minh Uyên nói.

Cũng theo chị Minh Uyên, giá cho một bó hoa hồng Đà Lạt 30 bông trong ngày 8/3 là khoảng hơn 400 nghìn đồng, đến hôm nay chị sẽ hạ giá xuống còn 250-300 nghìn đồng/bó.

Hoa ế sau 8/3, ông bà chủ bán 'tháo' thu hồi vốn - Ảnh 3.

Hoa ế sau 8/3, ông bà chủ bán 'tháo' thu hồi vốn - Ảnh 4.

Những bó hoa bị chủ cửa hàng bỏ lại sau ngày 8/3.

Giống như chị Minh Uyên, anh Hùng Sơn - một chủ sạp hoa tự phát, bán theo thời vụ tại Hà Nội chia sẻ: "Tính đến khoảng 10h đêm hôm qua (8/3) là mình còn ế 7 giỏ hoa, nhưng vì không có cửa hàng, lại chỉ nhập hoa về bán trong những ngày lễ lớn nên đành mang hoa về xóm trọ bán rẻ cho mọi người. Cũng may năm nay mình bán hoa cũng khá chạy nên kể cả bán rẻ mấy giỏ hoa ế kia thì vẫn còn có ít lãi", anh Hùng cười tươi.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có anh Hùng Sơn, hay chị Minh Uyên đã phải bán "tháo" hoa với giá rẻ, mà có không ít những ông chủ, bà chủ đến cuối ngày 8/3 đã phải bỏ hoa lại nơi bán. Một số người cho biết vì cuối ngày hoa bị héo và nát, có mang về thì hôm sau cũng không thể bán được. Số ít còn lại thì cho biết, lý do về việc bỏ hoa lại nơi bán là "để lại cho những người không có tiền mua hoa tặng vợ thì mang về tặng, vì dù sao cũng đã có lãi rồi".

Mời bạn đọc xem tiếp video: 

Hiện Trường Tai Nạn Liên Hoàn Giữa 6 Ô Tô Khiến Cầu Vĩnh Tuy Ách Tắc Trong Gần 2 Giờ | SKĐS


Quỳnh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn