Tiếp tục lắng nghe, đánh giá tác động kỹ lưỡng
Phát biểu mở đầu tọa đàm, GS. ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Trưởng Ban soạn thảo cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đối giới tính tổ chức tọa đàm "Một số vấn đề về pháp lý phục vụ xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính".
GS.ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo nêu rõ, tọa đàm tập trung thảo luận về các nội dung chính liên quan đến chuyển đổi giới tính, đáng lưu ý là về thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính, về áp dụng pháp luật đối với người chuyển đổi giới tính, về hình thức sửa đổi các quy định của các luật có liên quan.
Tại tọa đàm, các đại biểu, thảo luận về vấn đề liên quan đến thủ tục công nhận người chuyển đổi giới tính, trong đó tập trung góp ý về điều kiện để thực hiện thủ tục, thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục, cơ quan thực hiện thủ tục, phương thức thực hiện thủ tục.
Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý về áp dụng pháp luật đối với người chuyển đổi giới tính, trong đó có vấn đề điều chỉnh thông tin giới tính trên các giấy tờ nhân thân đã được cấp trước khi công dân được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về hộ tịch, pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật về thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam, pháp luật về thi đấu thể thao, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, pháp luật về nghĩa vụ quân sự, pháp luật về phí, lệ phí và các pháp luật khác có liên quan.
Phát biểu kết luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, sôi nổi, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại tọa đàm. Đồng tình với các ý kiến phát biểu, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các luật về chuyển đổi giới tính ở các quốc gia trên thế giới để hoàn thiện các quy định, các chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Mong nhận được ý kiến chuyên gia có chuyên môn sâu, tâm huyết
Tại Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính diễn ra hồi cuối tháng 9/2023, một số ý kiến cho rằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo nên được tổ chức khác so với cách làm truyền thống khi xây dựng các dự án luật khác.
Nhiều ý kiến cũng cho biết, không cần thiết lấy nhiều ý kiến của các chuyên gia quốc tế, điều quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mời được những chuyên gia có chuyên môn sâu, tâm huyết góp ý hoàn thiện dự án luật; cách thức tổ chức lấy ý kiến cộng đồng chuyển giới cũng được các ý kiến đóng góp tại phiên họp.
Cũng tại Phiên họp thứ nhất, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo và Đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trước khi ban hành.
Đa số ý kiến cơ bản tán thành với các nội dung về Quy chế làm việc, Kế hoạch soạn thảo, Đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính; các ý kiến đánh giá cao ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nhưng do dự án luật có đặc thù với thành phần tham gia rộng, thuộc nhiều cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, đề nghị Trưởng Ban soạn thảo phân công rõ hơn về trách nhiệm của từng thành viên phụ trách của các bộ, ngành, đơn vị mình phụ trách, chế độ báo cáo, tiến độ cụ thể; trách nhiệm của bộ phận thường trực của Ban soạn thảo… để đảm bảo tính thống nhất, hoàn thiện hồ sơ trình.
Chia sẻ bên lề Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, GS.ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày tỏ, thời gian qua, Ban soạn thảo đã tập trung triển khai nhiều công việc để xây dựng đề cương dự thảo, có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan liên quan và qua 2 lần cho ý kiến tại UBTVQH để trình và đã được thông qua và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Từ đó đến nay là sự hỗ trợ tích cực của nhiều cơ quan, đặc biệt là VPQH, nhờ vậy Ban soạn thảo được thành lập và tiến hành Phiên họp đầu tiên.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, tại Phiên họp thứ nhất đạt được kết quả tích cực, trong đó các đại biểu đã góp ý xây dựng Quy chế làm việc, Kế hoạch làm việc. Các ý kiến góp ý đã làm sáng tỏ cách thức làm việc, phương pháp làm việc của Ban soạn thảo đặc thù đặc biệt. Bởi dự án luật này do ĐBQH đề xuất, được Quốc hội cho phép đại biểu tổ chức xây dựng; hơn nữa dự án này rất mới về kiến thức, khác lạ đối với suy nghĩ trong các tầng lớp nhân dân. Do vậy, cần có cách làm việc phù hợp với tính đặc thù này.