Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế

23-09-2016 21:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 23/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo " Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế" với sự tham dự của các chuyên gia trong nước và quốc tế . Dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới cần phát triển nhanh về số lượng bác sỹ, điều dưỡng và dược sỹ đại học nhưng phải đảm bảo về chất lượng đào tạo.

 

Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm của quốc tế về cải cách giáo dục y khoa, trao đổi thảo luận về thực tiễn và định hướng đổi mới đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam, từng bước hội nhập quốc tế.

Những khó khăn hiện hữu trong công tác đào tạo nhân lực y tế

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, 5 năm qua, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng 8,0 năm 2015, số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015.

Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế đang đứng trước không ít những khó khăn thách thức. Bên cạnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đang đòi hỏi ngày càng cao, các bệnh không lây nhiễm gia tăng ở mức cao cũng như các điều kiện về hội nhập quốc tế đòi hỏi công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các đại biểu

tham gia hội thảo                         Ảnh Chinhphu.vn

Do vậy, chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thời gian đào tạo của chúng ta chưa hội nhập được với quốc tế. Thêm vào đó, chúng ta vẫn lẫn lộn giữa hệ hàn lâm với hệ thực hành. Các bác sĩ ở bệnh viện lâm sàng thì lại đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chuẩn của các bác sĩ trưởng khoa đòi hỏi phải đào tạo hệ hàn lâm; trong khi đó yêu cầu ở bệnh viện thì đòi hỏi phải đào tạo về thực hành nhiều hơn. Hiện nay, ở Việt Nam, học y trong thời gian 6 năm và sau đó thực hành 18 tháng, được cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần (suốt cuộc đời) mà không  qua  thi cử. Điều này khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra chuẩn của giảng viên y khoa Việt Nam vẫn chưa có.

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế và trong nước đã tập trung thảo luận về những vấn đề ngành y tế Việt Nam đang đặc biệt quan tâm như làm thế nào để kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường y; hệ thống đào tạo sau đại học ngành y nên được tổ chức như thế nào, cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo. Việc bổ nhiệm chức danh giảng viên lâm sàng cần được quy định như thế nào và cần có chính sách gì để thu hút họ tham gia giảng dạy lâm sàng một cách hiệu quả. Việc cấp chứng chỉ hành nghề y để kiểm soát và nâng cao chất lượng nhân lực; cơ chế tài chính trong đào tạo ngành y nên theo mô hình nào để giúp nâng cao chất lượng đào tạo ngành y…

Đào tạo nhân lực y tế đòi hỏi cả chất và lượng

Sau khi nghe báo cáo về thực trạng và những bất cập trong đào tạo y khoa tại Việt Nam; tham luận của các đại biểu đến từ Tổ chức Y tế Thế giới, Đại học Harvard Hoa Kỳ, Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), Đại học Chulalongkorn Thái Lan về kinh nghiệm và xu hướng đào tạo y khoa trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kinh nghiệm các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ đồng thời cho biết Việt Nam tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của quốc tế trên nền tảng thực tế của Việt Nam.

Mô hình bệnh tật thay đổi, đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa nhân lực y tế có chất lượng để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Trong bối cảnh dân số  gia tăng và già hóa dân số cũng như mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng đòi hỏi Việt Nam cần tập trung tăng nhanh số bác sỹ, dược sỹ và điều dưỡng… để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cũng như sự đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hiện nay, nhân lực ngành y tế không chỉ yếu về chất lượng mà còn thiếu về số lượng so với quốc tế. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo chất lượng cũng phải tăng cường số lượng các bác sĩ để địa phương nào cũng có bác sĩ giỏi, không xảy ra tình trạng thiếu bác sỹ và cần chỉ định thống nhất các bệnh viện tham gia công tác đào tạo.

“ Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các văn bản quy định liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đảm bảo quyền lợi về ngạch, bậc lương cho nhân lực ngành y tế với quan điểm tôn trọng lịch sử về phần bằng cấp nhưng năng lực đi theo bằng cấp cần được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung...”- Phó Thủ tướng nói


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn