Nỗi lo chất lượng nhân lực y tế ở các trường ngoài công lập

02-12-2015 07:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong khi điểm đầu vào của các trường đại học (ĐH) chuyên ngành đào tạo về nhân lực y dược lấy điểm đầu vào khá cao, thậm chí đến 27 điểm mới trúng tuyển vào ngành y đa khoa, tuy nhiên...

Trong khi điểm đầu vào của các trường đại học (ĐH) chuyên ngành đào tạo về nhân lực y dược lấy điểm đầu vào khá cao, thậm chí đến 27 điểm mới trúng tuyển vào ngành y đa khoa, tuy nhiên, tại các trường ngoài công lập, không chuyên về đào tạo y dược, thí sinh chỉ cần đạt điểm sàn hoặc trên mức sàn không đáng kể đã có thể theo học ngành y, dược. Thực tế này đã và đang đặt ra dấu hỏi trong đào tạo nhân lực y tế tại các cơ sở không chuyên về y dược ngoài công lập bởi chất lượng đầu ra có được thay đổi?

Chỉ trên điểm sàn là được học y, dược?

Năm 2015, điểm đầu vào của các trường ĐH Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y-Dược TP. Hồ Chí Minh, Y-Dược Huế, Y Hải Phòng, Y Thái Bình, Y Cần Thơ... dao động từ 17-27 điểm tùy theo chuyên ngành khác nhau thì điểm chuẩn đầu vào khối ngành y, dược năm 2015 của các trường như ngoài công lập, không chuyên như: Trường ĐH Đại Nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang); Trường ĐH Lạc Hồng... mức điểm chuẩn cho các ngành này chỉ từ 15-18,75 điểm, trong đó đa số là 15 điểm - trên điểm sàn 1-2 điểm.

Cần đào tạo nhân lực y dược tại các trường chuyên ngành để đảm bảo chất lượng. Ảnh: TM

Đơn cử, Trường ĐH Đại Nam và Trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Thành Đô (Hà Nội) đều tuyển sinh dược sĩ đại học với mức điểm từ 15 điểm trở lên. Ở Trường ĐH Thăng Long năm 2015 cũng tuyển ngành điều dưỡng, y tế công cộng với mức điểm trúng tuyển từ 15-16 điểm. Năm 2015, ĐH Tây Đô công bố mức điểm chuẩn vào ngành dược học và điều dưỡng là 15 điểm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức điểm chuẩn vào ngành dược học cao hơn (18,75 điểm) nhưng đầu vào ngành điều dưỡng của trường chỉ ở mức 15 điểm.

ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm 2015, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là từ 18 điểm trở lên đối với ngành y đa khoa sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Trường ĐH Nam Cần Thơ trong mùa tuyển sinh trước cũng tuyển ngành dược học với mức điểm 15.

Thậm chí, một số trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh ĐH khối ngành y, dược chỉ thông qua xét tuyển học bạ THPT như: Trường ĐH Công nghệ miền Đông (Đồng Nai), Trường ĐH Thành Tây, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng... Việc các trường xét tuyển học bạ THPT có thể dẫn đến tình trạng thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn của Bộ GD&ĐT đều có thể đăng ký xét tuyển.

Để có thầy thuốc giỏi phải kết hợp nhiều yếu tố

Về vấn đề đào tạo nhân lực y dược của các trường không chuyên và ngoài công lập có điểm tuyển đầu vào chỉ hơn điểm sàn, khiến nhiều chuyên gia, nhất là các chuyên gia y tế lo ngại. GS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, khi đào tạo đội ngũ thầy thuốc trong đó có bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh... điều quan trọng nhất là ngay từ ngày đầu sinh viên phải gắn bó với nghề nghiệp của mình. Môi trường tốt nhất để gắn bó chính là bệnh viện, nơi người bệnh đang chịu đau đớn, cần sự thương yêu của cán bộ y tế. Cho nên trong đào tạo cán bộ y tế phải có bệnh viện. Nghề y rất đặc biệt, gắn với sức khỏe, tính mạng người bệnh cho nên cơ sở vật chất để đào tạo đòi hỏi những điều đặc biệt.

PGS.TS. Thái Nguyễn Hùng Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dược Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo SK&ĐS rằng, vấn đề người dạy và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đặc biệt là môi trường thực hành rất quan trọng. Ngoài cơ sở thực hành trong trường, sinh viên phải được thực hành trong môi trường bệnh viện và tiếp xúc với người bệnh. Còn PGS.TS. Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Đào tạo,  ĐH Y Hà Nội cho biết, để mở ngành y dược, đặc biệt là ngành y đa khoa, cơ sở vật chất tốt chỉ chiếm một phần. Việc có giáo viên giỏi truyền thụ kiến thức, truyền tải kinh nghiệm, cái tâm của nghề rất quan trọng. Bên cạnh đó cũng cần có sinh viên tốt, mới tạo nên một bác sĩ giỏi. “Đào tạo bác sĩ đa khoa là ngành đặc thù, cần đảm bảo nhiều yếu tố như: Sinh viên phải có năng lực và tố chất tốt. Cơ sở đào tạo phải có đủ giảng đường, bệnh viện để thực tập và thực hành. Bên cạnh đó, giảng viên ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý, phải là người yêu nghề” - PGS.TS. Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Theo PGS.TS. Trần Quang Phục - Phó Hiệu trưởng ĐH Y-Dược Hải Phòng, ở một số nước tiên tiến, để được hành nghề bác sĩ đa khoa, nhà trường yêu cầu các trường phải đáp ứng cơ sở vật chất hiện đại hơn chúng ta rất nhiều. Để hành nghề bác sĩ, người học phải qua một chương trình y khoa được kiểm định và công nhận bởi cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia, phải thi đỗ kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề. “Trong khi đó, các trường dân lập mở ngành này nhưng chưa rõ lấy cơ sở thực hành ở đâu thì giới chuyên môn chúng tôi rất lo lắng. Nếu chỉ dạy lý thuyết mà không có cơ sở thực hành đúng quy định, sẽ chỉ đào tạo ra một thế hệ cử nhân y dược, khó mà hành nghề bác sĩ”, PGS. Phục cho biết.


Thái Bình
Ý kiến của bạn