Thuốc và các phương pháp điều trị sốt ve mò

23-07-2024 14:27 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh sốt mò đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị hiện nay, nhất là trường hợp bệnh nhân được phát hiện sớm và điều trị bệnh ngay. Các triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm sau 1 đến 3 ngày điều trị.

Bệnh sốt ve mò gây ra bởi loài vi khuẩn thuộc họ Rickettsia, do đó điều trị nội khoa với thuốc kháng sinh Doxycycline và Chloramphenicol là phương pháp tối ưu để điều trị bệnh. Bên cạnh đó, việc chăm soc người bệnh sốt mò bằng cách bổ sung chế độ dinh dưỡng cũng cực kỳ cần thiết.

Thuốc và các phương pháp điều trị sốt ve mò- Ảnh 1.

Ấu trùng bọ ve mò đã bị nhiễm mầm bệnh chính là vật trung gian truyền sốt mò.

Ấu trùng bọ ve mò đã bị nhiễm mầm bệnh chính là vật trung gian truyền sốt mò. Ấu trùng mò mang vi khuẩn đốt cắn con người, truyền bệnh qua nước bọt là phương thức lây nhiễm duy nhất. Bệnh không lây lan từ người sang người.

Biểu hiện đặc trưng của sốt mò là người bệnh bị sốt cao liên tục (trên 38-40 độ C), kiểm tra trên cơ thể phát hiện vết loét do mò đốt điển hình ở vị trí da mỏng mềm. Triệu chứng kèm theo có thể là nhức đầu chóng mặt dữ dội, phát ban và nổi hạch sưng đau.

Đôi khi, bệnh sốt mò không xuất hiện nốt loét (thể ẩn) nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết,... Việc chẩn đoán phân biệt là rất quan trọng nhằm đưa ra phương hướng chữa bệnh chính xác, đòi hỏi phải thăm khám cẩn thận và làm một số xét nghiệm cần thiết.

Nếu bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên đa phần bệnh sốt mò đều cần phải được điều trị sớm và tích cực bằng kháng sinh đặc hiệu mới có thể khỏi và hạn chế được biến chứng nguy hiểm của sốt mò.

1. Các biện pháp điều trị bệnh sốt ve mò

Điều trị sốt mò bao gồm điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng.

Điều trị đặc hiệu:

Liệu pháp kháng sinh:

Sulfamid dùng cùng Rickettsia nhưng chỉ dùng cho thể nhẹ. Tuy nhiên, hiện nay bác sĩ ít kê đơn cho dùng vì trong sốt mò có viêm nội mạc mạch máu. Thuốc dễ gây phù nề, tắc mạch và nếu điều trị sulfamid dễ gây tổn thương cầu thận, ống thận.

Thuốc và các phương pháp điều trị sốt ve mò- Ảnh 2.

Điều trị sốt mò bằng các loại thuốc kháng sinh thích hợp.

Kháng sinh thông dụng và có hiệu quả nhất với sốt mò là clorocid và tetracyclin. Do hai thuốc này chỉ có tác dụng kìm khuẩn chứ không diệt được vi khuẩn nên Rickettsia vẫn sống và tồn tại trong hạch bạch huyết, ở hệ võng nội mô trong nhiều ngày, nhiều tháng và dễ tái phát bệnh.

Liều lượng và cách dùng:

Clorocid hoặc tetracyclin:

Ngày đầu: 2g/ngày (cho người khoảng 50kg), dùng liều cao 2g khởi đầu có xu hướng cắt sốt nhanh hơn. Những ngày còn lại dùng liều 1g/ngày, cho tới khi cắt sốt 2-3 ngày; Tổng liều: 6-7g.

Việc uống liều cao cũng không làm giảm khả năng sinh kháng thể và không ảnh hưởng tới kết quả của các phản ứng huyết thanh cũng như gây tai biến gì cho người bệnh.

Ciprofloxacin và azithromycin cũng có công dụng tốt trong điều trị bệnh sốt mò.

Có thể dùng doxycycline viên 100mg x 2 viên/ngày cho người lớn, dùng 7 đến 15 ngày.

Khi can thiệp sớm (trong 3 ngày đầu), sau 6 ngày ngưng thuốc nên chỉ định điều trị đợt 2 trong 3-4 ngày, để ngăn chặn tái phát.

Liệu pháp kháng sinh phối hợp với corticoid:

Một số trường hợp người bệnh sau khi dùng kháng sinh vài ngày nhưng nhiệt độ vẫn không thuyên giảm thì có thể dùng phối hợp với cortancyl (nếu không có chống chỉ định) với liều trung bình ngắn ngày như sau: cortancyl viên 5mg x 4 viên/ngày, dùng trong 2-3 ngày sẽ hạ nhiệt độ nhanh hơn.

Điều trị triệu chứng:

  • Bổ sung nước - điện giải: ở bệnh nhân sốt mò thường có tình trạng sốt cao kéo dài và ăn uống kém nên dễ có hiện tượng mất nước và các chất điện giải. Do vậy cần cho bệnh nhân uống đủ nước và truyền dịch.
  • Trợ tim mạch: người sốt mò thường biến chứng sang viêm cơ tim, viêm nội mạc mạch máu nên cần dùng các thuốc trợ tim mạch như: ouabain, spartein, coramin.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể: bổ sung vitamin, ăn uống đủ chất.
  • An thần, hạ sốt (khi sốt cao).
  • Điều trị bội nhiễm nếu có.

2. Cách phòng bệnh sốt ve mò

  • Để phòng tránh bệnh, người lớn và trẻ em hạn chế đi vào vùng bụi rậm, cỏ thấp, vùng đất ẩm, vách núi, hang động. Khi đi vào những khu vực nghi có nhiều ấu trùng mò nên mặc quần áo dài, buộc kín gấu quần, mang tất, ủng. Y văn ghi nhận ở miền Nam Việt Nam, khoảng 50% bệnh nhân bị sốt mò do ấu trùng đốt khi làm việc ở ruộng lúa.
Thuốc và các phương pháp điều trị sốt ve mò- Ảnh 3.

Dọn vệ sinh sạch sẽ là cách phòng bệnh sốt ve mò.

  • Diệt ấu trùng mò bằng DDT, 666, Malathion; Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước. Không dùng kháng sinh dự phòng vì ít hiệu quả và tốn kém.
  • Nếu bị các nốt đốt lạ và sốt cao, không rõ nguyên nhân, cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Lời khuyên cho người mắc bệnh sốt ve mò

Bác sĩ đưa ra khuyến cáo khi có triệu chứng sốt đột ngột, xuất huyết, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi hạch, cần quan sát và kiểm tra kỹ trên cơ thể xem có nốt đốt như mô tả ở trên thì nghĩ đến đây là tổn thương do mò đốt và nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bệnh sốt ve mò nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng:

  • Thần kinh: rối loạn tri giác, viêm màng não, viêm não, tổn thương thần kinh sọ não, viêm thần kinh ngoại biên.
  • Tim mạch: viêm tắc mạch máu, viêm cơ tim, trụy tim mạch; suy thận; viêm phổi, suy hô hấp. Ngoài ra có thể gây gan, lách, hạch to; hiếm hơn là đông máu nội mạch lan tỏa và hội chứng thực bào máu.
  • Bệnh diễn tiến nặng nhẹ tùy vào các yếu tố như: chủng O. tsutsugamushi gây bệnh, tuổi bệnh nhân (tuổi > 50 tỷ lệ tử vong 45% đến 60% nếu không điều trị). Tỷ lệ tử vong một số nơi như Nhật 31,6%; Đài Loan 10%. Nguyên nhân tử vong thường do trụy tim mạch, viêm cơ tim, xuất huyết, viêm phổi, biến chứng viêm não - màng não. Ở Ấn Độ, 1/3 bệnh nhân nhập viện bị sốt mò nặng, suy đa cơ quan, với tỷ lệ tử vong trung bình 24%.
Sốt ve mò: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trịSốt ve mò: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

SKĐS - Sốt ve mò là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Rickettsia rickettsii gây ra. Bệnh thường được truyền qua các loài ve mò và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


BSCKI Phạm Thị Hồng Lam
Phó Giám đốc TTYT Nghi Xuân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn