Người Việt hút 217 triệu điếu thuốc lá/ngày, cần thiết tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá

28-07-2024 09:47 | Y tế
google news

SKĐS - Với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Trung bình số điếu thuốc hút trong ngày lên tới gần 217 triệu điếu gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn. WHO khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá.

Gánh nặng nhiều mặt do thuốc lá gây ra

TS. Nguyễn Khánh Phương – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, cùng với việc sử dụng đồ uống có đường, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khoẻ, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Theo ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên – Đại diện HealthBrige Canada tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp, sinh sản…). Đáng lo là hiện Việt Nam có tỉ lệ sử dụng thuốc lá thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Lào. Ước tính, trung bình số điếu thuốc hút trong ngày ở Việt Nam lên tới gần 217 triệu điếu. Thực trạng này đã tiêu tốn 49.000 tỉ VNĐ/năm cho mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).

Người Việt hút 217 triệu điếu thuốc lá/ngày, cần thiết tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá- Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế diễn ra ngày 24/7.

Với hơn 15 triệu người hút thuốc, WHO ước tính nước ta có khoảng 40.000 - 70.000 ca tử vong sớm/năm do sử dụng thuốc lá. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá. Tính toán cho thấy, chi phí y tế (trực tiếp và gián tiếp) do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng, tương đương 1,14% GDP năm 2022…

Cần thiết cải cách thuế thuốc lá

Việt Nam là quốc gia thứ 47/183 tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá với nhiều biện pháp mạnh mẽ đã được triển khai để hạn chế các tác hại do thuốc lá gây ra. Trong đó, thuế và giá là giải pháp được cho là có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác. Đây cũng là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng thế giới khuyến cáo các nước áp dụng.

Tuy nhiên, Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất tiêu thụ đặc biệt theo tỉ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỉ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%). Đáng chú ý, WHO và Ngân hàng thế giới khuyến cáo, tỉ trọng thuế thuốc lá trên giá bản lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia của WHO tại Việt Nam nhận định, các mức tăng thuế gần đây không đủ lớn, tuy có tác động nhưng rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó. Giá trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm, trong khi thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.

Xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và sức mua của thuốc lá tăng theo giời gian là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ và người nghèo. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng.

Mức tăng là bao nhiêu?

Đại diện Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính cho rằng, với mặt hàng thuốc lá, dù thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đã tăng vào các năm 2016 và 2019 nhưng theo các nghiên cứu, giá thuốc lá vẫn rất thấp (trung bình 3,19$/bao), đang ngày càng rẻ so với thu nhập dẫn đến sức mua thuốc lá tăng. Chúng ta cũng chưa đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới trưởng thành xuống 39% vào năm 2020 theo Chiến lược Phòng chống tác hại thuốc lá.

Điều 7 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với "Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm" áp dụng mức thuế suất 75%. Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án bổ sung thuế tuyệt đối (đồng/bao), trong đó tăng giá tất cả nhãn hiệu thuốc lá, đồng thời bổ sung mức thuế 5.000 đồng/bao từ năm 2026, sau đó tăng dần theo lộ trình các năm. Điều này sẽ dẫn đến mức tăng cao sớm hơn thay vì tăng nhiều lần nhỏ, tác động trực tiếp giúp người đang hút thuốc giảm lượng tiêu thụ và ngăn ngừa người trẻ bắt đầu hút thuốc…

Người Việt hút 217 triệu điếu thuốc lá/ngày, cần thiết tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá- Ảnh 3.

Tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong.

Nhiều ý kiến cho rằng, bổ sung thuế tuyệt đối và chuyển đổi sang phương thức áp thuế hỗn hợp đối với thuốc lá là hết sức cần thiết nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng. Việc bổ sung thuế tuyệt đối trong cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là phù hợp theo khuyến cáo của WHO và đem lại nhiều lợi ích thiết thực như làm giảm những sản phẩm thuốc lá giá rẻ, từ đó giúp giảm sự tiếp cận và sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên. Thuế tuyệt đối có xu hướng làm tăng giá thuốc lá cao hơn, đem lại tác động tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng…

Tại khu vực Đông Nam Á, đa số các nước cũng đang áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp. Hiện có 6 quốc gia đang áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar), 2 quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp (Lào, Thái Lan) và chỉ có 2 quốc gia còn đang áp thuế theo tỉ lệ (Việt Nam, Campuchia).

Tăng thuế thuốc lá, giảm bệnh tật tử vong. Chính vì vậy, WHO khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam cần đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỉ lệ 75% vào năm 2030. Phương án này sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỉ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.

Để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm ở nước ta, Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân.

Ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu là ban hành đầy đủ các quy định chính sách để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng các bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).


Dương Hải
Ý kiến của bạn