Thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số

24-09-2021 19:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngày 24/9, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Lễ ký kết và khởi động Dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam".

Tham dự Lễ ký kết có bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; Bà Jennifer Cox, Tổng Giám đốc của Merck Sharp & Dohme - MSD HH tại Việt Nam; TS. Mary-Ann Etiebet, đại diện cho quỹ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers); Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế); Đại diện chính quyền địa phương, cán bộ y tế và cô đỡ thôn bản của các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Đắc Nông và Kon Tum tham gia dự án.

Triển khai Dự án các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khoẻ sinh sản và sức khỏe tình dục của người dân và là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (MDG5) về giảm tình trạng tử vong mẹ vào năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự chênh lệch và bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục giữa các dân tộc và vùng miền.

Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100-150 ca tử vong trên 100.000 trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Mục tiêu của dự án: Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Dự án cũng sẽ lồng ghép biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 vào chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện có. Trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, các can thiệp đổi mới sáng tạo cũng bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó có các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở các vùng dân tộc thiểu số. Dự án cũng sẽ thực hiện giáo dục sức khỏe theo hướng đổi mới sáng tạo và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm thúc đẩy việc sinh con an toàn trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, việc ký kết khởi động Dự án do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ là một bước tiến đánh dấu công tác hỗ trợ của UNFPA cho phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là những đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.

Những phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai ở 60 xã dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa của sáu tỉnh khó khăn nhất bao gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Đắc Nông, Kon Tum và Gia Lai sẽ được hưởng lợi từ các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm ngăn chặn tình trạng tử vong mẹ khi có thể phòng ngừa được.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác chặt chẽ của UNFPA Việt Nam, sự tham gia tích cực của mạng lưới chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em từ Bộ Y tế tới sở y tế, thậm chí tới tận bản làng, dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu về sức khoẻ bà mẹ trẻ em mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành y tế.

Triển khai Dự án các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ tại vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) phát biểu tại buổi lễ.

Dự án Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam" do MSD for Mothers và MSD Việt Nam tài trợ với số tiền 1,2 triệu USD. UNFPA sẽ phối hợp thực hiện dự án với Bộ Y tế, Sở Y tế 6 tỉnh tham gia dự án và các tổ chức xã hội trong nước trong giai đoạn từ 1/9/2021 đến 30/9/2024. Ngoài đóng góp tài chính từ MSD for Mothers và MSD Việt Nam, UNFPA cam kết tài trợ riêng cho dự án với số tiền 810.000 USD, nâng tổng số tiền tài trợ lên 2.010.000 USD.

Xem thêm vìdeo đang được quan tâm:

Cảm Động Cuộc Gọi Trong Buồng Nguy Kịch Của Một Người Cha: Nơi Sự Sống Mong Manh (P3)


Thanh Hoàn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn