Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước

23-03-2023 15:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiều 23/3, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước".

Nữ trí thức ngành y muốn lan toả nguồn năng lượng tích cựcNữ trí thức ngành y muốn lan toả nguồn năng lượng tích cực

SKĐS - Sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghề y, nhưng cô thiếu nữ 17 tuổi khi đó đã quyết định theo đuổi nghề với hy vọng, sau này sẽ trở thành chỗ dựa cho gia đình và những người đang phải chịu đựng nỗi đau của bệnh tật.

Còn nhiều bất cập trong chính sách trọng dụng trí thức kiều bào

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài (gọi là trí thức kiều bào) ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó có nội dung về thu hút nguồn lực trí thức kiều bào. Các chính sách này, cùng hệ thống các chính sách liên quan đến quốc tịch, đầu tư, nhà đất… thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng trí thức kiều  bào nói chung và lực lượng trí thức nói riêng. 

Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã hình thành các mạng lưới, các câu lạc bộ trí thức, chuyên gia người Việt Nam, có kết nối hết sức chặt chẽ với các cơ sở khoa học công nghệ trong nước, đem lại những đóng góp đáng kể cho đất nước, trong đó có tư vấn cho Chính phủ, tư vấn cho các địa phương về các lĩnh vực trọng yếu phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế KH&CN, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, không thể phủ nhận còn tồn tại nhiều bất cấp trong việc việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng cán bộ trí thức kiều bào. Các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế đô ̣ưu đãi hiên nay không ̣còn phát huy hiệu quả.

Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển đất nước - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước".

"Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài", ông Phạm Việt Hùng nói.

Một số hạn chế khác được ông Hùng nêu gồm môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp của trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế. Rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài và các đồng nghiệp trong nước; các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào chưa được cơ quan chức năng nghiên cứu một cách nghiêm túc, có hệ thống và thường không có trao đổi, phản hồi hoặc tiếp thu, sử dụng có hiệu quả.

Cũng theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về người Việt Nam ở nước ngoài để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung.

Cách nào thu hút chất xám về nước?

Là địa phương rất thành công trong thu hút trí thức kiều bào, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP.HCM cho biết, trong những năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP.HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, Khu Công nghệ cao, các bệnh viện...

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM có 5 chuyên gia đã và đang làm việc theo chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của TP.HCM. Hiện nay có một mạng lưới kiều bào trẻ gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên với các sở ngành của Thành phố, họ đầu tư nhiều dự án lớn, tiêu biểu là dự án in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam… Dù có nhiều thành tựu song trên phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ, GS Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva, Liên Bang Nga nhìn nhận việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức kiều bào thực tế không đơn giản. Lực lượng trí thức kiều bào tuy đông nhưng phân bố rộng khắp, rất khó khăn cho việc tập hợp. Nhiều chuyên ngành khác nhau nên rất khó để tập hợp trong chuyên môn hẹp. Ngoài ra môi trường sống và làm việc, đãi ngộ, lương bổng, nhà cửa, sinh hoạt, đi lại, học hành cho con cái... cũng là những khó khăn cần phải vượt qua để có thể thu hút lực lượng trí thức kiều bào về cống hiến cho đất nước.

Theo ông Phạm Việt Hùng, để thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài,  bên cạnh việc duy trì liên hệ, hợp tác với các trí thức, chuyên gia giàu kinh nghiệm, công tác cần tiếp tục mở rộng tới thế hệ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài gồm cả lực lượng du học sinh và con em kiều bào thế hệ thứ hai, thứ ba ở sở tại. Nên tăng cường thu hút nguồn lực chất xám của kiều bào "từ xa", gián tiếp như giảng dạy ngắn hạn, tư vấn, chuyển giao công nghệ cao, làm cầu nối mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam, thay vì phải quay về Việt Nam làm việc dài hạn.

Mỗi địa phương, Bộ/ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng những chiến lược và chính sách linh hoạt nhằm trọng dụng nguồn nhân lực tài năng phù hợp. Tránh trường hợp áp dụng rập khuôn, máy móc, hưởng ứng theo phong trào, không thiết thực, hiệu quả, gây lãng phí nguồn chất xám của đất nước, nghiên cứu xây dựng chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao về nước tham gia các đề án, chương trình ưu tiên, đặc biệt quan trọng của quốc gia, ngành, địa phương và trao quyền cho người đứng đầu chịu trách nhiệm xem xét, đặc cách lựa chọn/tuyển dụng những cá nhân thực sự có tài năng…

"Quan trọng là chọn người nào vào việc gì, có đúng người đúng việc không, có đi vào thực chất hay không chứ không phải chuyện thu hút được bao nhiêu trí thức Việt kiều", ông Lê Xuân Rao, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội nói.

Theo ước tính của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người. Số này gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở sở tại, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây.

Hằng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người ở Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

Nữ trí thức ngành y dệt thêu bức tranh kinh tế tri thức ngày càng rực rỡNữ trí thức ngành y dệt thêu bức tranh kinh tế tri thức ngày càng rực rỡ

SKĐS - Phụ nữ Việt Nam hiện nay nói chung và phụ nữ ngành y tế nói riêng chiếm trên 50%. Nữ trí thức Việt Nam chính là tinh hoa của một nửa dân số, đó là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc thúc đẩy phụ nữ cả nước tiếp tục dệt, thêu bức tranh kinh tế tri thức ngày thêm rực rỡ...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mỹ Thu Hồi Dâu Tây Đông Lạnh Chứa Mầm Bệnh Viêm Gan A I SKĐS


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn