Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng người trí thức

03-07-2019 11:17 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - ...Công ơn của Bác đối với Tổ quốc ta, với nhân dân ta và riêng đối với bản thân tôi vô cùng to lớn.

Là một người trí thức đã từng chịu sự giáo dục của chế độ thực dân phong kiến trước đây, càng thấm thía nỗi nhục mất nước và mất tự do bao nhiêu, tôi càng ghi lòng tạc dạ công ơn của Bác, của Đảng đã giải phóng dân tộc, đồng thời giải phóng con người, giải phóng trí tuệ chúng tôi.

Hồi tưởng lại gần nửa thế kỷ qua, năm 1921, là một sinh viên theo học tại Trường đại học Y khoa Paris, tôi đã từng được nghe danh và một đôi lần được trông thấy Bác, khi ấy là ông Nguyễn Ái Quốc, chủ bút hai tờ báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam hồn”. Hành động dũng cảm của người thanh niên Việt Nam Nguyễn Ái Quốc trong việc đưa ra Hội nghị Véc-xây năm 1919 một bản yêu sách 8 khoản đòi quyền dân tộc tự quyết đã làm cho tên tuổi của Bác vang dội khắp nước Pháp. Trong thời kỳ đất nước ta còn chìm đắm trong những đêm tăm tối của cuộc đời nô lệ, tên tuổi của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, đã gợi lên trong trí óc những người trí thức chúng tôi một niềm cảm phục sâu xa và thức tỉnh trong chúng tôi những tình cảm thiêng liêng đối với Tổ quốc, đối với dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. (Ảnh Tư liệu).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. (Ảnh Tư liệu).

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, niềm đặc biệt vui sướng đối với tôi là được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính  là ông Nguyễn Ái Quốc, người mà tôi kính yêu, mến phục. Từ đó bằng tất cả tâm hồn và trí tuệ, tôi đã đi theo Bác, tôi đã gắn bó với cách mạng, với nhân dân.

Bác và Đảng đã dẫn dắt chúng tôi từ chỗ đi theo con đường chủ nghĩa yêu nước mà dần dần giác ngộ về giai cấp, về Đảng, về chủ nghĩa xã hội.

Bác là niềm tin, là sức mạnh, bác truyền cho lớp người trí thức lớn tuổi như chúng tôi nghị lực để vươn lên kịp với bước tiến của toàn dân. Nhớ lại trong những tháng năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác giáo dục chúng tôi phải gần gũi thực tế, phải đoàn kết với nhau, đoàn kết với công, nông. Bác khuyên nhủ chúng tôi phải cố gắng khắc phục khó khăn, phải biết dựa theo tinh thần “tự lực cánh sinh” mà phấn đấu. Chúng tôi đã ra sức làm theo lời Bác và đã đạt được một vài kết quả tốt đẹp trong nhiệm vụ chuyên môn.

Bác luôn theo dõi và khuyến khích từng bước tiến bộ của anh chị em trí thức chúng tôi. Một niềm vinh dự lớn lao cho tôi là trong Hội nghị chiến sĩ thi đua năm 1952 tại Việt Bắc, tôi lại được gặp bác. Chiếc áo cánh lụa mà Bác tặng cho tôi tại hội nghị giờ đây đã trở thành vật kỷ niệm vô cùng quý báu đối với tôi. Tháng 8 năm 1953, trong một lớp học tập chỉnh huấn của trí thức, Bác đã đến giải đáp cho chúng tôi những vấn đề mắc mớ về tư tưởng, những thắc mắc về thời cuộc... Qua lời Bác dạy, chúng tôi đã thấm nhuần sâu sắc bài học về nhân sinh quan cách mạng, về những quan điểm khoa học trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để chúng tôi củng cố lòng tin và giữ vững quyết tâm vượt qua mọi thử thách khó khăn cùng toàn dân kháng chiến thắng lợi.

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 1960, tôi đã có vinh dự được đón tiếp Bác. Những lời thăm hỏi ân tình của Bác làm cho tôi và gia đình vô cùng xúc động, nhắc nhở tôi phải làm hết sức mình để góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng thành công CNXH.

Nhưng điều làm cho tôi vô cùng ân hận và đau xót là phần cống hiến của tôi chưa được là bao thì Bác đã vĩnh biệt chúng ta rồi.

Bác mất đi, nhưng Bác đã để lại cho dân tộc ta một di sản quý giá vô ngần. Bác đã để lại một tập thể Đảng lãnh đạo vững vàng sáng suốt và Bác đã dày công sáng lập, rèn luyện từ mấy chục năm qua, mà nhân dân ta hết sức tin tưởng và gắn bó. Bác đã để lại cho chúng ta khối đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân mà chúng ta phải ra sức bảo vệ như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Bác đã để lại cho chúng ta một bản di chúc lịch sử mà bổn phận mỗi người chúng ta là phải làm hết sức mình để thực hiện cho bằng được. Bác để lại tấm gương chói lọi của cuộc đời Bác về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa anh hùng cách mạng: trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chân thành, khiêm tốn và giản dị.

Bác mất đi nhưng hình ảnh vẻ mặt hiền hậu, nụ cười độ lượng và tiếng nói ấm áp của Bác mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi, luôn luôn khích lệ tôi và cho tôi thêm sức mạnh để sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại khó khăn, vươn lên làm tròn nhiệm vụ...Noi theo tấm gương cao quý của Bác, chúng tôi nguyện siết chặt hàng ngũ chung quanh Đảng lãnh đạo, chung quanh Nhà nước, phấn đấu đến cùng vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, vì CNXH và Chủ nghĩa Cộng sản.

Là một người công tác trong ngành y tế, điều làm cho tôi hết sức cảm động là Bác rất quan tâm đến công tác giữ gìn sức khỏe cho nhân dân. Bác đã nêu cao tư tưởng “lương y như từ mẫu” để giáo dục cán bộ y tế phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Tư tưởng đầy tính nhân đạo đó đã trở thành khẩu hiệu lớn, thành câu tâm niệm hàng ngày của toàn ngành y tế. Tôi nguyện phấn đấu không mệt mỏi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà Bác và Đảng giao phó cho tôi, góp phần đào tạo “những người thừa kế xây dựng CNXH vừa hồng vừa chuyên” trong ngành y tế, để đền đáp công ơn Bác, người thầy vĩ đại đã giáo dục, dìu dắt tôi từng bước trở thành người trí thức biết đem toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.

HỒNG ANH

(Trích trong sách: Hồ Đắc Di, cuộc đời và sự nghiệp. NXB Y học 1998)


GS. HỒ ĐẮC DI (Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Hà Nội)
Ý kiến của bạn