Đó là lý do để đến với ngành y một cách rất tự nhiên của PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân – một trong 51 người vừa vinh dự được tôn vinh Nữ trí thức tiêu biểu ngành y giai đoạn 2019 – 2022 do Hội Nữ trí thức Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức.
Tại lễ tôn vinh, trực tiếp được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc tên và khen ngợi cùng công trình nghiên cứu của mình khiến PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân vỡ òa trong hạnh phúc. Bản thân bà cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào vì những công sức, nỗ lực bỏ ra trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 trở nên giá trị và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Dù vậy, bà vẫn luôn cho rằng, bản thân mình cùng 50 người được tôn vinh trong buổi lễ là bởi có được nhiều sự may mắn hơn người khác. Trong cuộc chiến phòng chống COVID-19 (giai đoạn 2019-2021) thì không thể kể hết tên những người đã hy sinh và cống hiến.
Công trình nghiên cứu mang sứ mệnh cao cả
Công trình nghiên cứu "Phản ứng sau tiêm vaccine mũi 1, mũi 2, ứng dụng và dây chuyền tiêm chủng tư vấn kịp thời hiệu quả cho những người đi tiêm phòng COVID-19" của PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân đã được ứng dụng ngay trong thực tế- trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" của dịch bệnh, giúp cho việc tiêm chủng vaccine COVID-19 bớt gặp khó khăn hơn. Công trình nghiên cứu giúp người dân đi tiêm yên tâm hơn vì họ hiểu rõ những phản ứng sau tiêm chủng có thể gặp phải.
Cũng nhờ Công trình nghiên cứu này, từ ngày 26/4/2021-26/3/2022 Trường Đại học Y Hà Nội đã tiêm phòng và cấp chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 cho 254.513 lượt người an toàn, không có phản ứng nặng và tử vong xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Ngoài ra, nhờ kết quả nghiên cứu, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân đã hướng dẫn bảo vệ thành công cho nhiều bác sĩ và thạc sĩ về đề tài phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19; Viết giáo trình đào tạo liên tục về thực hành tiêm chủng an toàn (trong đó có tiêm phòng vaccine COVID-19) xuất bản năm 2022; Viết một chương về tiêm phòng vaccine COVID-19 cho cuốn sách chuyên khảo "Bệnh học và điều trị COVID-19" xuất bản năm 2022 do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chủ trì.
PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân đã có hai bài báo đăng trên tạp chí trong nước (tạp chí NCYH bằng tiếng Anh) và quốc tế (frontiers in tropical diseases) về phản ứng sau tiêm chủng vaccine Astra Zeneca, Moderna và Pfizer-BioNtech; Đào tạo 60 khóa về thực hành tiêm chủng an toàn cho khoảng 2000 nhân viên y tế (Bác sĩ, điều dưỡng) và 2000 nhân viên bệnh viện về tiêm vaccine COVID-19.
Tất cả những tri thức này sẽ trở thành nguồn tài liệu quý cho hàng trăm thế hệ theo đuổi ngành y sau này…
Nữ trí thức ngành y 'dư thừa năng lượng'
Bắt đầu đặt chân vào học Đại học Y Hà Nội từ năm 1990, với tất cả những nỗ lực, cô gái mang tên Thanh Xuân đã tự tạo nên một thanh xuân đẹp đẽ cho mình khi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành bác sĩ răng hàm mặt vào năm 1996. May mắn được chuyển tiếp học ngay cao học với ngành y tế công cộng, sau khi tốt nghiệp, năm 2000 Thanh Xuân lại được nhận vào công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường cho đến thời điểm hiện tại, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân chợt nhận thấy bản thân mình dường như chưa bao giờ có khái niệm thất bại. Bà tự cho rằng bản thân là một người tích cực, lạc quan và vô cùng may mắn khi trong cuộc sống luôn có "quý nhân phù trợ".
"Tôi chưa bao giờ có khái niệm thất bại trong cuộc sống hay công việc. Khi quá mệt mỏi thì sẽ nghỉ ngơi để xả stress, cân bằng cuộc sống và lấy lại năng lượng. Tôi luôn cho rằng, dù có khó khăn hay thử thách thì cũng sẽ chỉ là tạm thời, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi. Nếu chẳng may khi mình đã cố gắng hết sức nhưng kết quả không được như mong muốn thì dù sao bản thân đã làm hết sức rồi" - nữ trí thức ngành y chia sẻ.
Mong có nhiều thời gian dành cho gia đình …
Luôn bận rộn với công việc bộn bề, vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân không khỏi "áy náy" với gia đình của mình. PGS Xuân chia sẻ, công việc chiếm phần lớn thời gian khiến bà có rất ít thời gian dành cho gia đình, nên bản thân chỉ mong một ngày có thể dài thêm vài tiếng đồng hồ để có điều kiện chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình nhiều hơn.
"Tôi nhớ mãi khoảng thời gian 4 năm đi học Tiến sĩ ở Đan Mạch, con gái tôi khi đó hay hỏi "mẹ ơi sao mẹ đi lâu thế, đây có phải lần cuối mẹ đi hay không?… Lúc đó tôi cảm thấy buồn và nhớ gia đình nhiều lắm, nhưng vẫn phải nén nước mắt để chuyên tâm học tập, chỉ mong thời gian qua thật nhanh để có thể trở về nhà….
23 năm gắn bó với Trường Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Lê Thị Thanh Xuân vẫn luôn tâm niệm đó chính là cái duyên của mình. "Nghề y là một phần cuộc sống không thể tách rời của tôi, nó dường như đã ăn sâu vào xương cốt…" và bà cho rằng "đó chính là cái duyên".
"Tôi vẫn thường nói với các học viên của mình rằng, để gắn bó với ngành y thì ngoài chăm chỉ, nỗ lực, cũng cần phải yêu nghề rất nhiều mới có thể gắn bó được, bởi ngành y luôn có những áp lực và rủi ro rất cao… Hơn nữa, nếu muốn trở thành một bác sĩ giỏi cũng cần phải yêu bản thân, có yêu bản thân thì mới lan tỏa được những năng lực tích cực cho người khác vì trong điều trị, tâm lý cũng là điều vô cùng quan trọng", nữ giảng viên cười tươi cho biết.
Mời bạn đọc xem tiếp video: Thời tiết ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Thời Tiết Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3- Miền Bắc Có Mưa Phùn, Trưa Và Chiều Trời Hửng Nắng - SKĐS