Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có dịch COVID-19 được toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội duy trì từ đầu năm học 2022-2023 đến nay. Các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường cần thận trọng khi phát ngôn và chia sẻ những thông tin về dịch bệnh khi chưa có căn cứ của cơ quan chuyên môn, tránh gây hiểu lầm, gây hoang mang trong phụ huynh và học sinh.
Ghi nhận tại một số trường học trong những ngày gần đây, số lượng học sinh nghỉ học do sốt, cảm cúm nhiều hơn so với thời điểm cuối tháng 3. Tuy nhiên, trong số đó, những học sinh mắc COVID-19 chiếm số lượng ít, việc dạy học tại các trường vẫn diễn ra bình thường.
Trước đó, trên một số diễn đàn, phụ huynh hoang mang về việc liệu trường học có quay trở lại học trực tuyến nếu trẻ nhiễm bệnh. Lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định, phụ huynh không nên hoang mang. Thời điểm này các trường đang dạy học theo chương trình, chuẩn bị cho ôn tập, kiểm tra cuối học kỳ II, thi vượt cấp, thi tốt nghiệp THPT và vẫn đảm bảo các phương án phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, ngày 11/4, nước ta ghi nhận thêm 183 ca mắc COVID-19. So với ngày 10/4, số ca mắc mới tăng hơn 60%. Đây cũng là số lượng người mắc mới trong ngày cao nhất cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Số ca mắc có xu hướng tăng trở lại bắt đầu từ ngày 3/4 (40 ca), sau đó tăng gấp đôi vào ngày 7/4 và vượt ngưỡng 100 vào ngày 8/4 (122 ca). Trước đó, kể từ đầu năm nay đến cuối tháng 3, số ca mắc mới dao động ở mức thấp, dưới mức 100 ca/ngày. Thậm chí, một số thời điểm, số ca mắc dưới mức 10 ca/ngày.
Số ca COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca COVID-19 tăng so với tuần trước.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003. Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta.
Người dân cần chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý: Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.