Chủ yếu xét học bạ không ảnh hưởng
Đối với các trường đại học, thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 về cơ bản không ảnh hưởng đến tuyển sinh vì hiện nay các trường đều có nhiều phương án xét tuyển chứ không chỉ riêng lấy kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có ảnh hưởng hay không thì chưa thể nói được vì còn tùy thuộc vào mục tiêu của Bộ GD&ĐT. "Quan trọng là mục tiêu có còn để phân loại năng lực thí sinh một cách rõ ràng nữa không, hay chỉ là để công nhận tốt nghiệp THPT. Nếu kỳ thi chỉ để phục vụ cho việc tốt nghiệp THPT mà không còn mục tiêu để phân loại thí sinh giỏi và xuất sắc thì khi đó sẽ không đáp ứng được cho tuyển sinh những ngành cạnh tranh. Trường ĐH Y Hà Nội vẫn sử dụng tổ hợp B0 để xét tuyển. Nếu thí sinh muốn thi vào Trường ĐH Y Hà Nội thì sẽ chọn thi thêm môn Hóa học và Sinh học".
GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết thêm, mong muốn sắp tới các trường y dược sẽ chọn một bộ công cụ đánh giá chung để tuyển sinh. Điều này sẽ có lợi cho người học khi các trường khối ngành sức khỏe cùng lọc ảo nên có thể luân chuyển từ trường nọ sang trường kia. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ sử dụng ngân hàng đề của các tổ chức đủ tin cậy của hệ thống để tuyển sinh ở một số ngành có tỉ lệ cạnh tranh cao như Y khoa, Răng Hàm Mặt. Các ngành khác có thể sử dụng các phương thức như hiện nay.
Theo ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công Thương TP.HCM: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến không có nhiều ảnh hưởng với việc xét tuyển của các trường ĐH. Hiện nay, các trường ĐH đang tuyển sinh bằng nhiều phương thức và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức ấy.
Điển hình những năm gần đây các trường đều xét thêm nhiều phương thức khác như kết quả học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực... Bên cạnh đó, các tổ hợp xét tuyển ở những trường ĐH cũng sẽ có sự linh hoạt theo các môn thi tốt nghiệp THPT. "Một điều tôi muốn lưu ý đến các em học sinh là môn Ngoại ngữ. Dù Ngoại ngữ trở thành một môn lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhưng để có được lợi thế khi học ĐH và cho sự nghiệp sau này, học sinh vẫn nên cố gắng học tốt Ngoại ngữ. Ngoại ngữ tốt sẽ mở thêm rất nhiều cơ hội cho các em".
PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, 6 phương thức xét tuyển hiện nay của trường đã tương thích với sự biến động, thay đổi cần thiết của chương trình giáo dục phổ thông. Từ năm 2025 phương thức tuyển sinh của trường không thay đổi, có chăng chỉ thay đổi tổ hợp xét tuyển.
Sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển đại học
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng các trường ĐH cần đổi mới các tổ hợp môn tuyển sinh. Thầy Đinh Đức Hiền - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT FPT Bắc Giang cho rằng, phương án thi 2+2 giảm áp lực, nhưng không trọn vẹn bởi làm giảm lựa chọn xét tuyển đại học của học sinh. Ngay cả khi Bộ đã "tạo điều kiện" bằng cách chỉ cần học môn đó trong năm lớp 12, thí sinh có thể đăng ký thi tự chọn, thì không phải trường nào cũng có thể cung cấp đầy đủ tổ hợp mà thí sinh muốn học. "Ví dụ các bạn muốn học Y, mà trường không cung cấp được tổ hợp có môn Sinh, đồng nghĩa em đó không thể chọn thi tốt nghiệp môn Sinh", thầy Hiền cho rằng điều này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi thí sinh.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, từ năm 2025, Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức, nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường. "Nhà trường dự kiến sẽ chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội kết hợp với một số tiêu chí khác mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang sử dụng như chứng chỉ Ngoại ngữ".
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - nguyên giảng viên cao cấp Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Tin học 2018 cho rằng, để các cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh ĐH hiệu quả hơn thì đây là cơ hội để các trường ĐH đổi mới các tổ hợp môn tuyển sinh cho các ngành đào tạo. "Tôi lấy ví dụ, hiện nay có khoảng 168 cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng của môn Tin học trong tổ hợp xét tuyển - môn học rất quan trọng đối với ngành đào tạo này. Tôi cho rằng các trường ĐH cần đổi mới về tổ hợp môn tuyển sinh với tất cả các ngành đào tạo sao cho phù hợp. Các trường cần xây dựng tổ hợp tuyển sinh phù hợp và môn thi phải gắn bó mật thiết với ngành nghề đó. Như vậy, tuyển sinh ĐH sẽ có thêm tính đột phá, khác biệt nhưng rất cần thiết và hợp lý".
Về phía Bộ GD&ĐT, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học thông tin trong cuộc họp báo công bố phương án thi từ năm 2025. "Hầu như 100% các trường ĐH vẫn dành chỉ tiêu để xét tuyển sử dụng điểm thi kết quả THPT và xét tuyển kết hợp, chứ không phải là cách thức duy nhất để các em nhập học các trường ĐH, kể cả đại học tốp đầu. Nguyên tắc yêu cầu chung mà đã được quy định quy chế hiện hành vẫn được áp dụng trong những năm tới".