Thấy gì sau vụ nhóm 'bông hồng đen' tự ý lấy mẫu máu hàng trăm học sinh ở Hải Phòng?

22-08-2023 09:20 | Thời sự
google news

SKĐS - "Với học sinh, không những phải có sự đồng ý xác nhận chữ ký của các em mà đồng thời phải có chữ ký của cả người giám hộ. Đó là những nguyên tắc đạo đức bắt buộc với những dự án như thế này", PGS.TS.Trần Thành Nam cho biết.

Liên quan đến vụ việc thành viên nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy mẫu máu của hàng trăm học sinh trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) gây xôn xao dư luận, khiến phụ huynh hoang mang trong những ngày qua, trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, đây là một hành vi có thể dẫn đến các nguy cơ về lộ lọt dấu ấn sinh học cá nhân, các nguy cơ về sức khỏe và an toàn của trẻ. "Bản thân những người lấy máu liệu có đủ năng lực và kỹ năng để thực hiện, quy trình thực hiện có đảm bảo an toàn".

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, kể cả khi một tổ chức được cấp phép để triển khai một dự án cộng đồng, trước khi thu thập những dấu ấn sinh học của bất kỳ ai, họ phải được giới thiệu rõ ràng về dự án, mục đích, các nguy cơ có thể xảy ra và các hình thức đảm bảo kiểm soát rủi ro và đền bù. Những cá nhân sau khi đọc, hiểu rõ quy trình và nguy cơ phải ký xác nhận đồng ý và có quyền thay đổi quyết định của mình bất cứ lúc nào.

Vụ tự ý lấy mẫu máu học sinh: Làm sao để ổn định tâm lý cho phụ huynh? - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội).

Riêng với trẻ em trong độ tuổi học sinh, không những phải có sự đồng ý xác nhận chữ ký của các em đồng thời phải có chữ ký của cả người giám hộ. Đó là những nguyên tắc đạo đức bắt buộc với những dự án như thế này.

Trong trường hợp nếu nhóm không thực hiện tất cả các quy trình này thì có thể là nhóm cực kỳ thiếu chuyên nghiệp hoặc đang giấu một động cơ không chính đáng. Nếu họ làm không có phép, đó là hành vi vi phạm quyền trẻ em, xâm hại đến sự an toàn của trẻ, gây ra sự hoang mang lo lắng của cộng đồng.

Để ổn định tâm lý cho phụ huynh và học sinh lúc này, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, chính quyền cần lập tức phong tỏa tất cả các dữ liệu sinh học mà nhóm đã lưu trữ, đảm bảo không lộ lọt, không để tội phạm có thể tận dụng những dấu ấn sinh học này để tạo bệnh án giả, bán thông tin cá nhân hoặc sử dụng cho các mục đích lừa đảo.

Ngoài ra cũng cần có những đánh giá sàng lọc về nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần của các học sinh và tiến hành sơ cứu tâm lý cho những trường hợp cần thiết.

"Đây cũng là bài học để phụ huynh giáo dục con trẻ về việc những miếng phomat miễn phí đều nằm trong những cái bẫy chuột. Hãy giúp cho các em có một cái nhìn tư duy phản biện, cân nhắc lợi hại trước khi ra quyết định", PGS.TS. Trần Thành Nam lưu ý.

Vụ tự ý lấy mẫu máu học sinh: Làm sao để ổn định tâm lý cho phụ huynh? - Ảnh 2.

Nhóm "Bông hồng đen" làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: Minh Lý

Thông tin mới nhất từ UBND quận Đồ Sơn: 

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện nhóm là bà Đ.T.U chưa xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động nói trên. Nhóm của bà U. có ký thoả thuận hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) để thực hiện Dự án "Bảo vệ tương lai, tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma tuý tại Việt Nam" độ tuổi 16-24 tuổi.

Hiện tại UBND quận Đồ Sơn đã yêu cầu nhóm "Bông hồng đen" dừng  hoạt động và phải cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan. Cùng với đó, quận giao phường Hải Sơn thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của nhóm. Riêng Phòng Y tế, Phòng LĐ-TB&XH căn cứ quy định pháp luật về y tế, trẻ em tham mưu UBND quận xem xét xử lý; đồng thời giao công an quận điều tra, xác minh các hoạt động của nhóm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (nếu có dấu hiệu vi phạm).

Về phía Cục phòng chống HIV/AIDS, trao đổi với báo chí, đại diện Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nhóm Bông hồng đen là tổ chức hoạt động từ năm 2011 trong các Dự án của Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS. Việc nhóm tổ chức tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng được thực hiện theo các nguồn của Dự án phòng chống HIV/AIDS.

Cục phòng chống HIV/AIDS khẳng định, bộ test nhanh bằng cách lấy máu đầu ngón tay chỉ sử dụng được một lần duy nhất, không có nguy cơ lây nhiễm. Kể cả những người nhiễm HIV mà tiến hành xét nghiệm nhanh cho người khác thì cũng không lây nhiễm nên người dân không nên hoang mang.

Trước đó, vào lúc 10h15 ngày 18/8, qua phản ánh của người dân trên địa bàn phường Hải Sơn (quận Đồ Sơn), có một nhóm phụ nữ lấy máu hàng loạt học sinh không rõ mục đích tại số 44 Nguyễn Hữu Cầu; ngay sau đó UBND phường Hải Sơn kiểm tra và phát hiện bà Đ.T.U (SN 1971) cùng 4 thành viên đang có hoạt động tư vấn, lấy máu, dịch tiết qua miệng để xét nghiệm HIV. Tại thời điểm kiểm tra có 12 trẻ vị thành niên.

Tổ công tác đã lập biên bản và mời nhóm người về trụ sở UBND phường Hải Sơn làm việc. Sau đó, UBND quận Đồ Sơn chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng LĐ-TB&XH, Công an quận phối hợp với UBND phường Hải Sơn xác minh làm rõ.

Thông tin chính thức vụ nhóm 'Bông hồng đen' tự ý lấy hàng trăm mẫu máu của học sinh Hải PhòngThông tin chính thức vụ nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy hàng trăm mẫu máu của học sinh Hải Phòng

SKĐS - Vào chiều nay (21/8), Sở Y tế Hải Phòng và UBND quận Đồ Sơn đã có thông tin chính thức liên quan đến nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy hàng trăm mẫu máu của học sinh trên địa bàn gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn