Vẹn nguyên vẻ đẹp tàu điện xưa
Khách mời của Quán thanh xuân tháng 10, GS. sử học Lê Văn Lan cho biết, ngày 13/9/1900, người Pháp cho khánh thành tuyến tàu điện đầu tiên ở Hà Nội chạy từ Bờ Hồ đến Thụy Khuê. Ga tàu điện trung tâm của Hà Nội trước kia, nay được nhiều người nói vui là “hàm cá mập” tọa lạc bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm.
Toàn cảnh Quán thanh xuân tháng 10
Khi tuyến tàu điện đi vào hoạt động thì lãi rất cao vì nó chạy qua chợ Đồng Xuân, Hàng Ngang, Hàng Đào, Quán Thánh – đây đều là những nơi buôn bán thịnh vượng. Năm 1906 Hà Nội có thêm tuyến tàu điện từ Thụy Khuê lên tới đường Bưởi – nơi có chợ Bưởi rất sầm uất bấy giờ. “Do đó, việc khai thác kinh tế của người Pháp rất nhạy bén” – GS. Lê Văn Lan đánh giá. Tuyến tàu điện đi từ Bờ Hồ đến Thái Hà ấp, rồi từ đây tới Hà Đông với chiều dài 11km. Thái Hà ấp có dinh cơ của Hoàng Cao Khải và Hà Đông có con trai của Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu làm Tổng đốc. Bởi vậy, tuyến tàu điện này cho thấy mục đích chính trị rõ ràng, để chiều lòng các quan Nam triều như thế. “Đến tuyến thứ 5, bắt đầu làm từ 1928 đến 1943 từ Nhà thương Vọng (Bạch Mai bây giờ) chạy qua trung tâm lên đến đê Yên Phụ, thế là người ta dùng lại các cửa ô từ thời Lê, thời Nguyễn Tạo ra” – GS. Lê Văn Lan cho biết thêm.
Nhà thơ Vũ Quần Phương, NSND Lê Khanh
Đặc biệt, trong chương trình Leng keng ngày tháng cũ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã kể những câu chuyện về tháng ngày xưa khi được đi tàu điện. Ông cho biết, người Hà Nội nào trong đời ngày xưa cũng có một lần đi tàu điện, vì phương tiện giao thông thời ấy ở nước ta chưa nhiều, giá tàu điện cũng rẻ. Vé tàu điện rẻ đến nỗi ai đi rồi thì thôi, người kiểm soát không hỏi đến nữa. Tàu điện cũng “thức khuya dậy sớm”, 4 giờ sáng đã leng keng đi chở khách.
Ca sĩ Thu Phương hát về Hà Nội trong Leng keng ngày tháng cũ
Nhà thơ Vũ Quần Phương kể: “Tôi đã có chuyến đi tàu điện đầu tiên vì quê ngoại tôi ở quận Nam Từ Liêm, xã Xuân Phương có chùa Canh. Trường làng khi ấy mới đến lớp 5, tôi học hết tiểu học thì phải vào trung tâm Hà Nội để học. Mặc dù chỉ có 12 cây số nhưng phải đi bằng 3 loại phương tiện, đó là đi bộ từ chợ Canh ra đến Cầu Diễn, đi xe ngựa từ Cầu Diễn sang Cầu Giấy và từ Cầu Giấy vào Bờ Hồ bằng tàu điện. Mỗi lần tôi nhớ nhà thì tàu điện Cầu Giấy - Bờ Hồ, Bờ Hồ - Cầu Giấy với tôi rất thân thuộc. Tôi thuộc từng nhà một, từ việc tàu nghiêng qua để rẽ ở công viên Thủ Lệ thế nào, vào đồng lúa, Nhà hát chèo Kim Mã ra sao thì mới vào nội đô”.
GS sử học Lê Văn Lan
Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “tàu điện là tâm hồn của Thủ đô” vì tính phổ cập, tính lam lũ của nó. Tàu điện là của những bà con áo ngắn với những thúng mủng, lợn gà và ai cũng lên tàu điện được. Đi tàu điện thì có hai loại vé, nếu vé của phòng đầu là ngồi ghế êm, giá cao gấp đôi ghế dọc. Tàu điện cũng dễ thân với con người, cho nên có những người kiếm ăn trên tàu điện như người hát xẩm, đó là sân khấu lưu động mà người hát với khán giả rất gần nhau. Hát xẩm trên tàu điện như thông tấn xã. Đó còn là chợ lưu động vì ngày xưa người ta bán cả sách trên tàu điện, ban đầu bán trên mẹt có thơ Tản Đà, Đồi thông hai mộ…Khi chúng ta về tiếp quản Thủ đô và đánh Mỹ, người ta bán sách bằng túi dết hoặc balo, rồi người ta bán cả thuốc, tôi nhớ nhất là cao dán hiệu bà Lan Trọc, thuốc cam của ông Lang Vòng…Sau này thì có bán cả bật lửa, băng phiến…đều là hàng bình dân.
Thời chiến quét lá ngủ giữa đường...
MC Diễm Quỳnh cùng khách mời KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng
Kể về đường phố Hà Nội xưa, NSND Lê Khanh không khỏi bồi hồi, gia đình chị sống ở con đường đẹp nhất Hà Nội – phố Phan Đình Phùng. NSND Lê Khanh chia sẻ, ngày xưa đường Phan Đình Phùng rộng mênh mông, cây cối thì cao lớn, um tùm. Nhà chị đối diện với phía tường thành của quân đội nên cảm nhận rõ sự yên ắng, bình an. “Mùa thu thì đường Phan Đình Phùng đẹp vô tận, đúng là thiên đường của trẻ thơ. Thời chiến, trẻ con ở phố Phan Đình Phùng chúng tôi khi ăn cơm xong, đem chổi quét lá ở ngoài đường rồi lấy chăn gối ra ngủ, cũng là vừa chủ động tránh bom đạn bởi khi có còi báo động thì sẽ chạy xuống hầm tăng C ngay cạnh đó”.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải biểu diễn trong không gian tàu điện xưa của Quán thanh xuân tháng 10
Trong khi đó, KTS Trần Ngọc Chính dù sinh ra ở Nghệ An nhưng từ thuở thiếu thời đã đặt chân tới Hà Nội để đi học. Ông cho biết, lần đầu tiên ra Hà Nội năm 1966. Đến Hà Nội vào khoảng 4h30 sáng và có cảm giác hết sức đặc biệt. “Tôi đi bộ trên vỉa hè từ ga Hàng Cỏ và tìm đến nhà bác tôi ở phố Nguyễn Công Trứ. Tôi nhận thấy kích thước đường phố Hà Nội với làng quê của tôi khác hẳn, nhà cửa thì cao, to; đường sá chỗ rộng chỗ hẹp, cây cối, người tập thể dục chạy đi chạy lại và có cả không khí của chiến tranh. Và trong chiến tranh, vẫn thấy sự bình yên của Thủ đô. Mỗi góc phố, hàng cây của Hà Nội đều gợi cho tôi một nỗi nhớ. Vỉa hè Hà Nội hay của bất cứ đâu đều có một giá trị lớn bởi nó là tình yêu, là kinh tế của đường phố, phản ánh về xã hội, lịch sử và văn hóa” – KTS Trần Ngọc Chính, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
Với những câu chuyện ấy, các khách mời của Quán thanh xuân tháng 10 đã tạo ra một bước lùi để hoài niệm về quá khứ nhưng vẫn nhìn nhận cuộc sống trong dòng vận động không ngừng - ở một đô thị sôi động nhưng cũng có nét trầm mặc như thủ đô Hà Nội.