Tính từ thời điểm dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bùng phát, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận gần 15.000 người dân trở về quê tránh dịch. Trong số đó, có hàng nghìn người là phụ nữ, trẻ em; các công nhân làm việc tại các nhà máy, công ty tại các tỉnh phía Nam.
Số lượng người đông đảo này sau khi cách ly xong trở về các địa phương sẽ là câu hỏi lớn cho ngành lao động về vấn đề việc làm, đảm bảo sinh kế cho bà con trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đang tích cực liên hệ với các doanh nghiệp để tìm công việc cho các lao động là người dân địa phương trở về từ vùng dịch. Đến thời điểm hiện tại, có 34 doanh nghiệp với hơn 7.200 vị trí việc làm sẵn sàng đón nhận lao động vào làm việc.
Qua rà soát ban đầu, khoảng 3.000 người là những lao động thất nghiệp trở về địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trước tình hình trên, đơn vị này đã phối hợp với các khu cách ly tập trung, các địa phương để thống kê ngành nghề bà con đang làm hiện tại và nhu cầu chuyển đổi nghề.
"Chúng ta tạo ra "cần câu" để giúp bà con chủ động hơn trong công việc sau khi về quê từ vùng dịch", Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sau khi người dân hoàn thành việc cách ly, ổn định lại đời sống, tỉnh sẽ đánh giá lại, xem nguyện vọng của người dân. Những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện việc chuyển đổi.
Những ngành nghề nào có thể vào được các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp thì tỉnh sẽ xem xét làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc.
Trong đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh. Xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ. Như vậy, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương. Cùng với tạo việc làm, việc hỗ trợ cho người lao động cũng được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Từ cuối tháng 4 đến 20/8, Thanh Hóa có hơn 17.000 người trở về từ vùng dịch. Trong đó, hơn 15.000 công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam; gần 1.500 công dân từ các tỉnh phía Bắc trở về cách ly tại địa phương. Đa số lao động trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động, không có bằng cấp, chỉ có khoảng 35% lao động về từ vùng dịch có giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động tại vùng dịch. Trong số lao động về quê từ vùng dịch, dự kiến có khoảng 10.000 lao động có nhu cầu việc làm và học nghề.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của tỉnh.
Thực tế, do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Những lá thư thời COVID-19 - Số 4: Nghĩa đồng bào trong lá thư của Tổng giám đốc gửi Bố