Hà Nội

Người lao động "chạy" về quê sẽ tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động

23-08-2021 09:13 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Trước sự bùng phát nhanh và mạnh của dịch COVID-19, việc lao động ồ ạt về quê sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động và đặt ra nhiều vấn đề để phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới.

Nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), do dịch diễn biến ngày càng phức tạp, số ca F0 tăng lên không ngừng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê.

Người dân "chạy" về quê sẽ tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động - Ảnh 1.

Nếu dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc. Ảnh minh họa

Theo thống kê nhanh của các Sở LĐ-TB&XH, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch để đưa lao động về quê, tuy nhiên do yêu cầu về y tế, mới đưa được hơn 50.000 người trở lại quê, trong đó ưu tiên những người yếu thế, người già trẻ em, phụ nữ mang thai.

Với tâm lý lo sợ mắc bệnh cùng sức ép về cuộc sống hàng ngày nên nhiều người lao động đã tự phát "ồ ạt" về quê bằng các phương tiện cá nhân, không có đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế…

Số lao động tự phát di chuyển hơn 100.000 người khiến cho chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc theo dõi, các khu cách ly y tế quá tải.

Trong đó, luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về ngược lại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung.

"Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ "thiếu hụt lao động" với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…", đại diện Cục Việc làm nhận định.

2 kịch bản về nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 được Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP. HCM đưa ra. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc. Trong khi đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2021 cần khoảng 147.000 chỗ làm việc.

Các giải pháp để phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo Cục Việc làm, việc lao động trở về quê thời gian qua sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động. Nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa lao động ở những nơi nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh…

Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đồng thời ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…

Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đối với các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam cần chủ động phối hợp để cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc thay vì việc lên phương án đón người lao động về quê dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực khi dịch bệnh được kiểm soát.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

lay mau test nhanh


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn