Hà Nội

Doanh nghiệp lao đao, người lao động thất nghiệp trong bão dịch

11-08-2021 20:07 | Thị trường
google news

SKĐS - Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát khiến cho số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành.

Lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh - Ảnh 1.

Hàng triệu người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tại thời điểm hiện nay, doanh nghiệp tạm dừng, số người lao động ngừng việc có sự khác nhau và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, các các tỉnh.

Hàng triệu lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc, giảm giờ làm hoặc phải làm việc luân phiên

Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước (có 79,7 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường; 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới).

Trung bình mỗi tháng có hơn 11,3 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, số doanh nghiệp mới được thành lập có quy mô lao động giảm so với cùng kỳ năm trước 7,2% lao động.

Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lao động diễn ra ở tất cả các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo...

Song song với đó, số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động.

Cục Việc làm thông tin, số người thất nghiệp trong quý 2/2021 là 1,2 triệu người (2,62%), tăng so với quý I là 0,2% và 0,46% so với cùng kỳ năm 2019.

Với mức độ phức tạp của dịch COVID-19 trong tháng 7, số lao động thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị lên hơn 4%.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tiếp tục tăng nhiều.

Cụ thể, quý II/2021 tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,2%, tỷ lệ này trong tháng 7 tăng rất cao vì lao động phải ở nhà, nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Cục Việc làm, trong quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị tiếp tục cao hơn so với khu vực nông thôn, trái ngược với xu thế thường thấy trước khi có dịch và năm 2020.

Trong đó, trong quý 2/2021 thiếu việc làm cả nước là 1,1 triệu người (2,6%), trong đó khu vực thành thị là 2,8%, khu vực nông thôn là 2,49%.

Số người ngừng việc có sự khác nhau và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng

Theo báo cáo nhanh của 54 tỉnh, thành phố, 9,94% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, số lao động tạm ngừng việc gần 4 triệu người (20% tổng số lao động).

Doanh nghiệp tạm dừng, số người ngừng việc có sự khác nhau, chênh lệch lớn giữa các vùng, các tỉnh tại thời điểm hiện nay.

Lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh - Ảnh 3.

Những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 3 lần và tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%. Ảnh minh họa

Hiện nay, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam hiện đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg có gần 20% doanh nghiệp hiện dừng hoạt động, số lao động ngừng việc gần 3 triệu người (33,4% tổng số lao động). Trong khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM chỉ có 827 doanh nghiệp hoạt động (57,56%).

Tại miền Bắc, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Bắc Ninh, Bắc Giang vào tháng 5 buộc Bắc Giang phải tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp gồm 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150.000 lao động tạm ngừng việc.

Đến nay, sau khi khống chế được dịch COVID-19, các doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực bắt đầu đi vào sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, tuy nhiên, hiện tại trong toàn khu vực có khoảng 2,5% doanh nghiệp vẫn phải tạm dừng hoạt động, 5% lao động ngừng việc.

Tại miền Trung, diễn biến dịch phức tạp ở Khánh Hòa, Phú Yên, Đà Nẵng khiến tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 3,4%, với số lao động ngừng việc hơn 500.000 người (15% tổng số lao động trong doanh nghiệp của khu vực). Đà Nẵng có 2.217 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động kéo theo 33 ngàn lao động ngừng việc.

Các doanh nghiệp đang trong vùng có dịch buộc phải tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được các tiêu chí "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 địa điểm" để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa chống dịch.

Đại diện Cục Việc làm cho biết: "Hiện nay chỉ có số ít doanh nghiệp đáp ứng được. Những doanh nghiệp đáp ứng được thì cũng phải tăng chi phí gấp 3 lần và tỷ lệ lao động sử dụng cũng chỉ được 30-40%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không thể hoạt động được do gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa, thiếu hụt nguyên vật liệu… khi các cảng biển, cảng hàng không, đường biên giới… đều bị hạn chế, làm tăng rất nhiều chi phí".

Cũng theo Cục Việc làm, trong 3 nhóm ngành kinh tế bị tác động tiêu cực đến lao động làm việc do dịch COVID-19 thì lao động khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch nhất (có 8,9% lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng). Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%). Nhóm ngành lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Các vắc xin COVID-19 đã được WHO phê duyệt cho đến hiện nay và hiệu quả đối với biến thể Delta.




Đỗ Vi
Ý kiến của bạn