Nhiều tỉnh, thành phố dự kiến tăng mạnh học phí
Mới đây, HĐND TP.Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP. Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội. Theo đó, trong năm học 2022-2023, dự kiến mức học phí THCS từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đồng đang áp dụng.
UBND TP.HCM cũng đã có dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022-2023 tại TP.HCM. Theo dự thảo, ngoài bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học còn lại từ mầm non đến THPT đều dự kiến áp dụng mức thu mới tăng so với mức thu hiện nay, từ 70.000 đồng đến 240.000 đồng/tháng, tùy cấp học và nhóm địa bàn; trong đó có nhóm tăng cao gấp năm lần mức hiện tại.
Không chỉ Hà Nội và TP.HCM mà một số tỉnh, thành khác cũng cho biết đã có dự thảo tăng học phí.
Sở GD&ĐT Gia Lai đang gửi tờ trình lên UBND tỉnh để tiến hành các thủ tục liên quan trong việc quy định mức học phí đối với các bậc học trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023. Theo đó, mức học phí nếu được HĐND tỉnh Gia Lai thông qua sẽ như sau: Đối với bậc học mầm non và THCS, mức học phí sẽ từ 50.000 - 86.000 đồng/tháng, bậc THPT từ 100.000 - 133.000 đồng/tháng. Được biết mức học phí thấp nhất hiện nay ở địa phương này là 15.000 đồng/tháng nên nếu thông qua, học phí trong năm tới sẽ tăng rất cao.
Bình Định, Phú Yên cũng cho biết đang triển khai xây dựng khung học phí mới tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nếu thông qua, học phí năm học sắp tới cũng sẽ tăng so với mức hiện tại.
Việc tăng học phí có giúp cho chất lượng học tập tốt hơn?
Trước những thắc mắc về việc học phí tăng thì có đi đôi với chất lượng giáo dục hay không, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, học phí chỉ là một phần kinh phí rất nhỏ để bù vào các khoản cho nhà trường tổ chức các hoạt động tăng cường thêm cho học sinh và hàng năm thành phố đều có nguồn ngân sách để cung cấp cho ngành giáo dục.
Ông Minh cho biết: "Trong 6 năm học phí không tăng nhưng chất lượng giáo dục của TP luôn luôn tăng. Vệc tăng chất lượng giáo dục của TP là nhiệm vụ chính trị chứ không liên quan đến học phí. Tăng học phí hay không thì chất lượng giáo dục vẫn phải đảm bảo ở mức cao nhất có thể. Quan điểm của ngành giáo dục TP là làm sao để học sinh đạt được năng lực, phẩm chất theo yêu cầu".
Về việc tăng học phí, bà Đào Hải Yến - Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội lý giải, dự thảo được xây dựng theo khung học phí mới của Chính phủ tại Nghị định 81/2021. Tại khung này, mức sàn (thấp nhất) và mức trần (cao nhất) của học phí từng cấp được quy định cụ thể theo ba khu vực: thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, áp dụng trong giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở khung của Chính phủ, HĐND các tỉnh, thành sẽ quyết định mức học phí cụ thể với từng trường tại từng địa bàn.
Trong năm đầu tiên triển khai, Hà Nội dự định áp dụng mức thấp nhất tại khung học phí mà Chính phủ quy định với mọi vùng và cấp học, rồi tăng tiếp trong những năm sau.
Bà Yến cho biết, quy định của Chính phủ cho phép các địa phương tăng khung học phí từng năm, tối đa 7,5%. Nghĩa là đến năm 2025, mức trần học phí hàng tháng có thể là 670.000 đồng (với bậc mầm non) và 806.000 đồng (THCS và THPT) ở thành thị. Đến năm 2026, một Nghị định mới về mức học phí sẽ được ban hành, khung học phí sẽ lại có mức trần và sàn khác.
"Nói là tăng nhanh, nhưng học phí năm 2025 mà Hà Nội dự kiến áp dụng cũng chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung của Chính phủ", bà Yến giải thích thêm.